NSND Trần Phương là một trong số nghệ sĩ ít ỏi còn lại của thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu lìa xa cõi thế. Gia đình, đồng nghiệp và công chúng biết đến ông xem đây là mất mát lớn.
Nghề diễn như duyên nợ
NSND Trần Phương là một người đặc biệt. Dù không học qua trường lớp chuyên nghiệp nào nhưng những vai diễn của ông đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Ông đến với điện ảnh bằng niềm đam mê. Năm 16 tuổi, ông rời trường học, tham gia kháng chiến chống Pháp. Hai mươi hai tuổi, năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân tại Chiến khu Việt Bắc, học nhiều thể loại, từ văn học với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học chèo, thậm chí học cả kịch… Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim Truyện Việt Nam, sau đó tham gia một vai nhỏ trong phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng "Chung một dòng sông". Cũng trong năm 1959, Trần Phương tham gia "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc. Lúc sinh thời, Trần Phương từng kể đạo diễn Mai Lộc yêu cầu ông lên vùng cao sinh sống và học cưỡi ngựa như người Mông. Nhà văn Tô Hoài cũng khuyến khích Trần Phương lên núi sống cùng người Mông như ông từng làm khi viết tác phẩm. Để vào vai A Phủ, Trần Phương đã sống suốt 3 tháng ròng rã trên núi cao cùng người Mông, học chăn bò, cưỡi ngựa... Khi bộ phim quay xong, ông cũng thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ không kém chàng trai Mông nào.
NSND Trần Phương. Ảnh: TƯ LIỆU
NSND Trần Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội vào sáng 26-8 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 91 tuổi.
Với những thành tựu nghệ thuật nổi bật, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu NSND năm 2001.
Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các phim "Hy vọng cuối cùng", "Tội lỗi cuối cùng", "Dòng sông hoa trắng".
Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Nhà Tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội vào ngày 30-8.
Sau "Vợ chồng A Phủ", Trần Phương còn ghi dấu ấn với vai Khoa, chồng của Tư Hậu trong phim "Chị Tư Hậu" sản xuất năm 1963 của đạo diễn NSND Phạm Kỳ Nam và Trần Thiện Liêm. Ông cũng góp mặt trong "Biển gọi" do đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung thực hiện; đảm nhận vai diễn trong phim "Tiền tuyến gọi" của NSND Phạm Kỳ Nam, "Truyện vợ chồng anh Lực" của đạo diễn Trần Vũ Thịnh cũng ghi dấu ấn với vai ông Củng trong phim…
NSND Lan Hương, người được cố nghệ sĩ Trần Phương, hướng dẫn về diễn xuất khi tham gia bộ phim "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh" (đạo diễn: NSƯT Vũ Phạm Từ), cho biết chị đã học được những bài học đầu tiên của một nghệ sĩ điện ảnh từ nghệ sĩ Trần Phương. Bà cho rằng NSND Trần Phương cực kỳ tài năng. Ông diễn bản năng, độ nhạy cảm nghệ sĩ lớn hơn hẳn các nghệ sĩ khác. "Tố chất nghệ sĩ của cụ đã có sẵn trong máu. Tôi học được cụ cách diễn không phải bằng kỹ thuật, mà là bằng những cảm xúc tươi mới với nghề" - nhân vật Thủy của "Mùa ổi" cho hay.
Thành công ở cả vai trò đạo diễn
Sau nhiều vai diễn, NSND Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Dù không được đào tạo qua trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào nhưng ông rất thành công ở cả vai trò diễn viên và đạo diễn. Sau khi làm phó đạo diễn cho NSND Trần Vũ phim "Chuyến xe bão táp" và "Những người đã gặp", Trần Phương làm bộ phim đầu tiên của mình về đề tài an ninh nhân dân: "Mưa rơi trên thành phố". Nhưng bộ phim làm nên tên tuổi của ông ở công việc đạo diễn là "Tội lỗi cuối cùng", năm 1980, gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu điện ảnh qua diễn xuất của 2 diễn viên ngôi sao: Phương Thanh và Trần Quang. "Tội lỗi cuối cùng" giành Bông sen Bạc tại Liên Hoan phim Việt Nam lần thứ 5, mang về cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc. Phim "Hy vọng cuối cùng" với cặp diễn viên NSƯT Tất Bình - NSND Như Quỳnh của ông cũng giành Bông sen Bạc và mang về giải Đạo diễn xuất sắc cho Trần Phương tại Liên Hoan phim Việt Nam sau đó. Ngoài ra, ông cũng đạo diễn một loạt phim khác: "Hy vọng cuối cùng" (1981), "Đứng trước biển" (1985), "Hoàng Hoa Thám" (1987), "Dòng sông hoa trắng" với sự diễn xuất của Trà Giang (1989).
Đạo diễn - NSND Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, tâm sự rằng với ông, không có Trần Phương thì không có Tất Bình. Hơn 40 năm ở cạnh một người vừa có tài vừa có tâm là NSND Trần Phương, ông đã học được rất nhiều điều.
NSND Lan Hương nhớ lại khi NSND Trần Phương lấn sân sang đạo diễn, ông luôn hướng dẫn các diễn viên vào vai một cách dễ dàng nhất. "Cụ nhìn thấy tư chất diễn viên và khơi gợi những cảm xúc của các nghệ sĩ. Trong những phim cụ làm sau này, luôn có những người trẻ đi cùng để cụ kèm cặp. Hầu hết họ đều thành danh và chúng tôi đều kính phục cụ không chỉ vì quá đa tài mà còn ở sự tự học hỏi của cụ" - NSND Lan Hương bày tỏ.
Bình luận (0)