Phó giáo sư Phan Ngọc sinh ra từ vùng đất có truyền thống hiếu học (xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Cha ông là cụ Phan Võ, đậu Phó bảng năm 1910, từng làm quan lớn của triều đình Huế, khi về hưu được thăng hàm Thượng thư Bộ Lễ.
Năng khiếu bẩm sinh
PGS Phan Ngọc bắt đầu học ngoại ngữ từ cha và ở ngôi trường Thiên Hữu của cố đạo (Huế) lúc nhỏ. Năm tuổi, ông được cha mình dạy tiếng Hán. Mỗi ngày trước khi muốn được đi chơi, ông phải hoàn thành các bài viết chữ Hán mà cha yêu cầu. Đến khi đi học, ngôi trường Thiên Hữu đã trang bị cho ông vốn kha khá tiếng Hy Lạp và Latin.
Nhà văn hóa - dịch giả Phan Ngọc
Nếu đi theo con đường gia đình đã định sẵn là vào trường luật, tương lai của Phan Ngọc sẽ rộng mở thênh thang. Thế nhưng Phan Ngọc lại nuôi một chí hướng khác, ông vào trường y và sau đó nhập ngũ ở Đại đoàn 304. Năm 1950, ông được GS Đào Duy Anh đưa lên Việt Bắc làm việc. Năm 1955, ông được GS Trần Đức Thảo đưa về làm việc tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông là chủ nhiệm bộ môn đầu tiên (1956-1957) của bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Khoa Ngôn ngữ học ngày nay).
Nhận xét về Phan Ngọc, nhiều học giả cho rằng ở ông có năng khiếu bẩm sinh trong việc học tiếng nước ngoài. Ở Việt Nam, sau dịch giả tên tuổi lừng lẫy ở thế kỷ XIX là Trương Vĩnh Ký, Phan Ngọc có thể coi là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Ông thông thạo 5 ngoại ngữ: Latin, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý, còn biết thêm tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và cả tiếng Thái Lan, Campuchia...
Năm 1976, để chuẩn bị khẩn trương cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, dịch giả Phan Ngọc nhận dịch cuốn "Triết học Hegel" từ nguyên bản tiếng Đức, hoàn thành vượt thời hạn 3 tháng. Ông dịch cuốn này trong khoảng hơn 1 năm. Đây vẫn là kỳ tích được nhiều người đương thời ngưỡng mộ. Ông còn dịch "Thần thoại Hy Lạp" từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; "Spartacus" từ nguyên bản tiếng Ý; "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; "Sử ký Tư Mã Thiên" từ nguyên bản Hán văn; "Shakespeare" từ nguyên bản tiếng Anh...
Lúc sinh thời, dịch giả Phan Ngọc từng chia sẻ, trong rất nhiều ngôn ngữ, người học nên chọn vài ngoại ngữ có tính phổ biến trên thế giới (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh) để có thể giao tiếp rộng rãi. Những ngôn ngữ này phải được học một cách chu đáo trước khi chuyển sang học các ngôn ngữ khác. Nói thêm về bí quyết giỏi ngoại ngữ của mình, ông cho hay mình đã tìm ra cái mẹo của cách học. Ngoài ra, với nhiều người học ngoại ngữ có thể vì sinh kế nhưng ông học ngoại ngữ vì muốn tìm hiểu, khám phá những vùng đất xa lạ. Muốn hiểu và biết về những nơi mà mình yêu thích không có cách nào khác là biết được ngôn ngữ của vùng đất đó. Nhiều người đọc những cuốn sách dịch của ông đều không hiểu tại sao ông lại có thể am hiểu về nơi đó đến thế dù ông chưa một lần đặt chân đến những vùng đất xa xôi ấy. Và câu trả lời của Phan Ngọc đơn giản chỉ là ông luôn cố gắng viết vì ông ham chữ nghĩa. Nó như một chất gây nghiện.
Thành công trên nhiều lĩnh vực
Không chỉ là dịch giả uy tín, Phan Ngọc được coi nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Nhà phê bình Nguyễn Hoà từng nhận xét trong một bài viết của ông rằng ở bất cứ lĩnh vực nào, Phan Ngọc cũng đánh những dấu mốc quan trọng thành công ở tất cả các vai trò: dịch giả, nhà Hán học, nhà nghiên cứu văn học, nhà triết học, nhà mỹ học, nhà dân tộc học, nhà văn hóa học. Ông được xem là "thầy của các thầy" trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nhìn vào thành quả lao động học thuật của ông trên chặng đường nghiên cứu, bất cứ ai cũng phải kính nể.
Nhà phê bình Nguyễn Hoà cũng nhận định biên độ các vấn đề nghiên cứu của PGS Phan Ngọc rất rộng. Ông nghiên cứu Truyện Kiều để tìm ra cống hiến nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du "trước đó không ai làm được và sau đó khó có ai làm được". Ông quan tâm tới cách chữa lỗi chính tả cho học sinh. Ông nghiên cứu sự tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á. Ông nghiên cứu về Đỗ Phủ, bàn chuyện dịch "Đạo đức kinh". Ông cũng quan tâm tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, tới văn hóa cố đô Huế. Đặc biệt, ông nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách trân trọng, sâu sắc.
Học giả Phan Ngọc từng viết rằng "mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi". Và cả đời mình, ông đã cố gắng để làm việc đó. Mỗi ngày từ khi còn trẻ đến lúc về hưu, ông đều dành 16 giờ để làm việc, bất chấp những khó khăn, vất vả đời thường.
PGS Phan Ngọc sinh năm 1925, quê gốc tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Sau thời gian ốm nặng, ông đã từ trần lúc 20 giờ ngày 26-8-2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.
Hai công trình "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều" và "Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới" của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2000).
Bình luận (0)