Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam với các nghệ sĩ của hãng chiều 19-9 đã rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
Các nghệ sĩ bức xúc vì đơn vị mua lại hãng không có định hướng làm phim, hãng hơn 80 người nhưng chỉ có 20 người có lương, trả lương thấp, "sỉ nhục" các nghệ sĩ.
"Chúng tôi muốn làm việc"
Việc lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso), nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Hãng Phim truyện Việt Nam, yêu cầu mọi người viết những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng ra giấy thay vì trả lời công khai đã khiến không khí buổi đối thoại trở nên rất căng thẳng. Các nghệ sĩ cho rằng họ cần đặt câu hỏi công khai và được trả lời công khai. Cuối cùng, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vivaso, đã nhất trí với yêu cầu này là trực tiếp giải đáp thắc mắc của nghệ sĩ.
Tâm huyết và đau xót trước việc các nghệ sĩ của hãng không có cơ hội được làm nghề, nghệ sĩ Quốc Tuấn đặt câu hỏi bản cam kết mà hãng đưa ra mỗi năm sẽ sản xuất một phim nhựa, một phim video, nếu mỗi phim 2 đạo diễn thì 6 đạo diễn còn lại của hãng sẽ rơi vào tình trạng không làm việc và như vậy thì không có lương. Nhưng theo nghệ sĩ này, anh không "chiến đấu" vì lương (hiện Quốc Tuấn đang nhận mức lương rất thảm hại là 540.000 đồng/tháng) mà là muốn có công việc để làm, chẳng phải như HĐQT của hãng trả lời báo chí là cả hãng chỉ có 20 người làm việc. "Chúng tôi muốn làm việc mà không có việc" - Quốc Tuấn nói.
Đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc chất vấn lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải thủy - nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Hãng Phim truyện Việt Nam - trong chiều 19-9
Đáp lại ý kiến này của đạo diễn Quốc Tuấn, ông Nguyên cho hay từ 4 năm rưỡi nay đạo diễn này không làm gì nhưng vẫn được trả lương đến năm 2017. Quốc Tuấn nói lý do là anh không được giao phim, dù rất muốn làm phim.
Cũng chung sự băn khoăn với đạo diễn Quốc Tuấn, đạo diễn Thanh Vân đặt câu hỏi 20 người làm việc theo đánh giá của chủ tịch HĐQT Vivaso là ai, họ có phát triển được Hãng Phim truyện Việt Nam không? Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đạo diễn Thanh Vân, ông Nguyên lái câu chuyện sang hướng khác rằng chính đạo diễn đã đưa ông lên báo rất nhiều. "Hai mươi người anh hỏi, tôi trả lời ngay. Để tôi đọc báo cáo tài chính và doanh thu xem các anh làm được những gì? Báo cáo doanh thu thực chất là gần như 0 đồng. Ví dụ như anh Nguyễn Thanh Vân từ năm 2014 đến giờ không có bộ phim nào. Cả công ty này mấy năm nay chỉ có được một phim mấy trăm triệu đồng" - ông Nguyên nói.
Không thực hiện đúng cam kết
Đạo diễn Trần Chí Thành cho biết sau 2 tháng cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đã không thực hiện được những điều như cam kết, đó là trả mức lương từ 4,8 triệu đồng trở lên. Tháng 8-2017 mới chi trả lương cho 20/85 cán bộ của hãng. Đặc biệt, khối nghệ thuật bị coi là những người không làm được việc nên đạo diễn Việt Anh, Nguyễn Thanh Vân, Trần Chí Thành, Quốc Tuấn… nhận mức lương từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Giải thích về việc tại sao lương bảo vệ, công nhân còn cao hơn lương nghệ sĩ, ông Thủy Nguyên cho rằng công ty trả theo nguyên tắc có làm có hưởng, không làm không hưởng. Ông Nguyên cũng cho hay có hai cách trả lương, một là nghệ sĩ cứ đến hãng ngồi đúng giờ hành chính. Hai là trả lương dựa trên sản phẩm làm ra. "Tôi chưa hề cắt lương các đồng chí. Nhưng có những người 3 năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường thì các đồng chí suy nghĩ gì? Tôi sẽ không trả lương nếu 2-3 năm không đến cơ quan hoặc đến mà không làm gì" - chủ tịch HĐQT Vivaso khẳng định.
Bức xúc vì giá trị thương hiệu, đất đai bằng 0
Hãng Phim truyện Việt Nam đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa và tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất vào ngày 20-5-2017. Ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vivaso (đơn vị nắm tới 65% cổ phần), được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, việc công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng Phim truyện Việt Nam bằng 0 với sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.
Trong lá đơn kêu cứu mới đây gửi Hội Điện ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam khẳng định cổ đông chiến lược là Vivaso đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có điều khoản bảo đảm việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và bảo đảm mức lương 4,8 triệu đồng trong năm 2017 theo quy định của nhà nước với 85 thành viên còn lại của hãng. Nhưng sau hơn 2 tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7-2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng. Tháng thứ hai (tháng 8-2017) chỉ một số cán bộ, công nhân viên trong hãng phim này nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất là 1 triệu đồng, một số người hoàn toàn không có lương. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo mới đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sở vật chất trong hãng phim. Cụ thể, sáp nhập phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là "Phòng nghệ thuật". Kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của hãng cũng bị chuyển đến các kho của Vivaso cách 40 km với mục đích lấy các phòng cho thuê kinh doanh. Cũng với mục đích trên, một phòng dựng và phòng thu thanh đã bị tháo dỡ, di chuyển.
Tại buổi đối thoại chiều 19-9, ông Nguyên cho biết Vivaso đã phải trả hàng chục tỉ đồng tiền nợ thuế cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Trả lời câu hỏi nếu phải trả nhiều tỉ tiền nợ thuế và thua lỗ như vậy, tại sao Vivaso còn mua lại hãng phim này, ông Nguyên cho rằng chuyện mua có kế hoạch, chiến lược và đó là bí mật kinh doanh của công ty.
Phớt lờ yêu cầu của Thủ tướng
Ngày 28-12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL vẫn giữ nguyên ban cổ phần cũ.
Ngày 23-6-2017, Bộ VH-TT-DL ra quyết định thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.
Bình luận (0)