.PHÓNG VIÊN: Vở cải lương tuồng cổ "Thủy chiến" vừa ra mắt khán giả tối 10-4 tại Nhà hát Trần Hữu Trang được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt. Cảm xúc của anh như thế nào về vở diễn này?
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Tôi cảm nhận rất rõ niềm kỳ vọng của khán giả khi đến với những vở cải lương tuồng cổ ca ngợi chiến công hiển hách của các anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. "Thủy chiến" đặc tả sinh động trận thắng lịch sử của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi. Đặc biệt vở này có nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia như: Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Văn Hợp, Kim Thùy, Kim Hồng, Hoàng Hải… và dàn diễn viên giỏi nghề yểm trợ cho đàn em như: Vân Hà, Thanh Đông, Lý Thu, Hoàng Minh Vương, Tấn Lộc, Nhật Thanh. Trong vai trò cố vấn nghệ thuật, tôi phấn khởi khi tiếp sức cho nữ đạo diễn trẻ Dương Kim Tiến để bản dựng này được ra mắt khán giả, đồng thời cũng giới thiệu tác giả trẻ Nguyễn Quang Nhã. Nhà hát Trần Hữu Trang đã làm "bà đỡ" để đưa đến công chúng một tác phẩm do chính người trẻ kể về lịch sử. Và lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi chính là sự trưởng thành của diễn viên trẻ.
Hai nghệ sĩ Chí Linh và Vân Hà .Ảnh: NGỌC THU
.NSƯT Vân Hà nhận một vai phụ trong vở để dìu dắt, nâng đỡ đàn em, chắc chị có nhiều cảm xúc?
- NSƯT VÂN HÀ: Tôi vui lắm chứ, vì sàn diễn có thêm nữ đạo diễn trẻ, dàn diễn viên có thêm vở diễn mà mỗi nhân vật có đủ nội lực để thăng hoa. Các diễn viên trẻ thế hệ hôm nay thiệt thòi so với thế hệ chúng tôi, vì sàn diễn ít sáng đèn liên tục, một vở diễn chỉ vài ba suất là ngưng, nên không có sự cọ xát liên tục để mài giũa nghề. Tuy nhiên, qua suất diễn tối qua, tôi cảm nhận được niềm xúc động mãnh liệt của các bạn đã từng đoạt giải "Chuông vàng vọng cổ" như: Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Mẹo. Các em lâu nay chỉ ca thì đã có thêm vai diễn hay để thể hiện vũ đạo, võ thuật trong một vở tuồng cổ.
.Là người nghệ sĩ thì phải chấp nhận sống trong muôn vàn áp lực và kể cả tiếng đời thị phi thêu dệt. Anh chị đồng hành hơn 40 năm, là vợ chồng, là bạn diễn, để vượt qua những khó khăn chắc có bí quyết?
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Đời nghệ sĩ có những lúc gấm hoa và đôi khi là sự cay đắng, tủi nhục. Nhưng tất cả đọng lại đều để bản thân mình được hoàn thiện. Chúng tôi yêu nhau từ khi còn học trong khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang, sau đó đầu quân về đoàn cải lương xung kích, đi diễn ở biên giới, công trường, nông trường. Khó nhọc trăm bề vẫn lạc quan, cất cao lời ca, tiếng hát. Đến khi thành hôn vẫn trong nghèo khó vì cả 2 gia đình đều gắn với nghề hát. Vân Hà có cha là soạn giả Vân An, tôi có các chị là nghệ sĩ Tài Lương, Tài Linh, buông nghề hát ra chẳng biết sống bằng nghề gì. Chúng tôi nghĩ cả 2 xây dựng mái ấm gia đình trong muôn vàn khó khăn thì phải giữ cho mái ấm đó luôn hạnh phúc.
- NSƯT VÂN HÀ: Đến khi sinh đôi, 2 nàng công chúa chào đời, áp lực kinh khủng vì vừa đi diễn vừa chăm cả 2 cô con gái. Rồi hai cháu vào đại học, sang Mỹ du học từ nỗ lực bản thân, từ năng lực để được cấp học bổng, chúng tôi hài lòng trước sự trưởng thành của 2 con. Bí quyết có lẽ cũng từ sự chung tay của từng thành viên trong gia đình, không để bất kỳ điều gì làm rạn nứt.
.Là nghệ sĩ nổi tiếng, ra đường luôn có nhiều người hâm mộ, nhiều người theo đuổi. Có bao giờ anh xao lòng?
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Vấn đề là cách ứng xử thế nào cho trái tim nghệ sĩ không đập loạn nhịp. Tôi luôn hiểu được đâu là giới hạn. Hơn nữa không để gia đình mình bị tổn thương. Có những thứ tình cảm rất đẹp, rất trong sáng của khán giả mà vợ chồng tôi đều trân quý.
.Nhìn lại, dù đã trở thành ngôi sao của sân khấu tuồng cổ nhưng hình như anh chị vẫn chưa có một live show riêng, chưa có DVD hoặc MV nào để kỷ niệm. Vì sao?
- NSƯT VÂN HÀ: Chúng tôi dành hết thời gian cho đoàn hát. Là đơn vị xã hội hóa cải lương của TP HCM, chúng tôi có trách nhiệm chăm lo cho các diễn viên trẻ, giúp họ tỏa sáng qua từng vai diễn. Họ thành công là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Còn làm live show hoặc sản phẩm nghệ thuật cho cá nhân, nếu có thực hiện thì cũng dành cho các bạn trẻ, chúng tôi luôn đứng ở vị trí vai diễn dàn bao chung quanh, bọc lót cho các diễn viên trẻ.
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Thế hệ chúng tôi học được nhiều bài học quý từ các thầy cô giỏi nghề đi trước như: NSND Phùng Há, NSƯT Công Thành, Hoàng Ba, Tấn Đạt... nên chúng tôi đem những kinh nghiệm đó truyền lại cho thế hệ trẻ. Họ chính là những nhân vật chính trong mỗi đêm sân khấu sáng đèn, khán giả cổ vũ là chúng tôi hạnh phúc.
.Điều gì trong đời sống xã hội mà anh chị quan tâm nhất hiện nay?
- NSƯT VÂN HÀ: Đó là lòng tốt bao giờ cũng được nhắc đến rất nhiều trong những thời điểm khó khăn và nghệ sĩ chúng tôi luôn đi đầu trong việc giúp đỡ, chăm lo cho những đối tượng đang hoạn nạn. Không đơn thuần đó là vì thời điểm con người cần lòng tốt và lòng tốt dễ thể hiện nhất, nhưng với nghệ sĩ chúng tôi thì phải đặt lòng tốt đúng chỗ. Thời điểm đặc biệt như Covid-19, hay đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua, cơ hội để một lần nữa nghệ sĩ và khán giả làm việc thiện. Chúng tôi quan tâm đến những chuyến hàng đưa đến đồng bào khắc phục thiên tai, những mũi vắc-xin đầu tiên tại Việt Nam tiêm cho lực lượng tuyến đầu. Sức mạnh của lòng tốt như một tài sản vô giá của mỗi người, nó làm nên sức mạnh của dân tộc.
.Hiện nay, với công tác góp phần chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực của sân khấu, anh chị trăn trở điều gì?
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Khi đào tạo một diễn viên thể hiện tốt vai khó, họ diễn tốt, tối về tôi mừng đến thao thức. Hiệu ứng đạt được càng lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, tạo nên môi trường sáng tạo lành mạnh để phát triển cho những mầm non nghệ thuật. Tôi sợ cảnh "đem con bỏ chợ", nên em nào được truyền nghề, có đất để tung hoành là vợ chồng tôi vui.
- NSƯT VÂN HÀ: Đây cũng chính là chủ đề mà chúng ta đang muốn bàn đến khi những khó khăn đang dồn dập đến với sàn diễn cải lương. Vừa qua, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang đã được nâng cấp quốc gia, các HCV đoạt giải nhưng chưa thấy sự quảng bá đủ để công chúng thụ hưởng sáng tạo mà họ được giới chuyên môn đánh giá. Điểm diễn cho sân khấu cải lương ngày càng thu hẹp, các chương trình biểu diễn với tác phẩm được đầu tư chất lượng ngày một ít. Tìm ra tài năng nhưng phải chắp cánh để tài năng bay cao, chứ không thể cứ bay thấp mãi.
.Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm, anh chị có dự định sẽ sáng tác kịch bản cải lương tuồng cổ?
- Nghệ sĩ CHÍ LINH: Nghề nào cũng cần phải đầu tư, học tập. Văn nghệ sĩ chính là đại diện cho những giá trị cao đẹp và xã hội thường đặt lên vai người nghệ sĩ những trách nhiệm cao cả và đôi khi, vì lý do đó, chúng tôi bị nhìn khắt khe hơn, cho nên khi đã sáng tác thì phải thận trọng và chín nghề. Muốn viết sâu sắc thì cần dấn thân vào con đường sáng tác. Tuy nhiên, việc chúng tôi đứng ở vai trò đạo diễn, cố vấn nghệ thuật cho các em trẻ cũng là điều hài lòng.
Làm nghề phải có khát vọng lớn
Nghệ sĩ Chí Linh cho rằng sàn diễn hôm nay phải có nhiều tác phẩm hướng đến công chúng trẻ. Ở đó, kịch bản không phải là lời hô hào suông, mà đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi người trước những khó khăn trong cuộc sống. Cũng theo nghệ sĩ Chí Linh, diễn viên trẻ hãy đặt mỗi vai diễn của mình vào vị trí chiếu sáng cuộc sống. Thông điệp không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, dễ dãi với chính mình, mà phải đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ tiền nhân để tiếp tục vững vàng hơn.
Còn NSƯT Vân Hà cho biết luôn nói với các bạn diễn viên trẻ rằng làm nghề phải có khát vọng lớn, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập của công chúng. Đành rằng sàn diễn đang rất khó khăn nhưng sau vở "Nàng Xê Đa", rồi "Thủy chiến" và nhiều vở của các sân khấu xã hội hóa, đời sống cải lương đã không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, mà thật sự chạm đến trái tim khán giả hôm nay bằng góc nhìn có khát vọng và hoài bão lớn. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tốt. Chẳng hạn như vở "Thủy chiến" phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc trong từng vai diễn, để niềm tự hào về lịch sử dân tộc hào hùng sẽ là năng lượng tích cực cho thế hệ khán giả trẻ xem và chiêm nghiệm.
Bình luận (0)