Tối 27-6, Sân khấu Kịch Minh Nhí thu hút đông khán giả dù trời mưa. Người xem cười nghiêng ngả và cũng lắng đọng tâm hồn khi xem vở "Tấm Cám 16+", một phiên bản của đạo diễn Đặng Phương Thảo khi làm mới câu chuyện kịch cũ mà bất cứ khán giả yêu kịch nào cũng biết.
Hướng mở mới cho sàn diễn
Diễn viên Thanh Nhựt tâm sự: "Làm mới kịch bản có cốt chuyện cũ là một thử thách. Bởi hiện tại, nhóm Ngẫm Nghĩ Cùng Kịch (NNCK; diễn thường xuyên tại Sân khấu Kịch Minh Nhí) chưa tìm được kịch bản đương đại mang tính thời sự nóng bỏng, đủ sức lay động lòng người, nên giải pháp chọn câu chuyện cũ với thủ pháp dàn dựng mới, đặt vấn đề mới là cách làm hiệu quả. Bằng chứng là khán giả đã đón nhận vở diễn và cổ vũ nồng nhiệt".
Sau vở "Cậu Đồng" được tái dựng, Sân khấu Kịch IDECAF tiếp tục đưa lên sàn vở "Con ma nhà hát". Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn: "Tính thời sự của vở kịch này vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí bám sát hơn thời sự hôm nay khi mà nghệ sĩ buông bỏ sàn diễn, chạy theo game show, truyền hình thực tế, "thánh đường" không còn đúng chuẩn với những nỗi nhọc nhằn. Khi tái dựng, chúng tôi sẽ đưa vào những chuyện đau lòng của hậu trường showbiz. Một hướng mở trong cách làm mới những bản dựng cũ".
Sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh tối 5-7 cũng sẽ ra mắt phiên bản mới của vở "Diễn viên hạng ba" (đạo diễn trẻ Lê Chi Na dàn dựng) mà theo đạo diễn Việt Linh, người biên tập kịch bản này từ tác phẩm của nhà văn Lý Lan, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cảm xúc mới.
Có thể nói sự tái ngộ của những vở kịch cũ vào thời điểm khó khăn sau giãn cách xã hội đã phần nào mang lại sinh khí cho đời sống sàn diễn vì rõ ràng những kịch bản này đã được sàng lọc theo thời gian. NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Sàn diễn hôm nay có thêm những lớp khán giả mới. Với lớp khán giả cũ đi xem lại vở mà mình đã từng trải nghiệm cũng có cái thú vị là ngẫm nghĩ ở góc nhìn mới về vấn đề kịch mà mình đã từng xem qua cách dựng mới. Điều đặc biệt hơn là diễn xuất của những thế hệ diễn viên mới và sự cập nhật thời sự để khán giả có thêm sự thích thú".
Ông cũng cho rằng sân khấu phía Bắc đã chọn giải pháp này từ nhiều năm, để một loạt vở cũ của các tác giả: Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Xuân Trình... ngày càng xuất hiện trên sân khấu và được công chúng thủ đô đón nhận. "Có thể kể đến Nhà hát Kịch Việt Nam với vở "Bệnh sĩ", "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ; Đoàn kịch LucTeam của NSƯT Trần Lực với vở "Quẫn" của thầy tôi - tác giả Lộng Chương, vở "Bạch đàn liễu" của Xuân Trình; Nhà hát Tuổi Trẻ đến tháng 8 hằng năm đều trình diễn những vở kịch đặc sắc của tác giả Lưu Quang Vũ để tưởng nhớ, tri ân nhà viết kịch tài hoa này với nhiều kịch bản đặc sắc: "Sống mãi tuổi 17", "Ai là thủ phạm", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Tin ở hoa hồng"… Dù là kịch bản cũ nhưng tính thời sự vẫn còn nóng hổi. Trong khi tác giả hôm nay rất hiếm viết về đề tài đương đại, có một số ngòi bút thích viết về chính luận nhưng bút pháp chưa hấp dẫn và sàn diễn ngại đụng đến" - vị đạo diễn 82 tuổi dẫn chứng.
Cảnh trong vở kịch “Tấm Cám 16+” trên Sân khấu Kịch Minh Nhí
Không thể chủ quan
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết kịch cũ tái dựng hấp dẫn khán giả, giải quyết ổn thỏa nỗi lo của phòng vé. Nhưng được mùa không thể chủ quan, vì nếu dọn hết nhà tìm kịch bản cũ tái dựng, "xào nấu" với gia vị mới thì không mấy chốc sẽ cạn kiệt. Chỉ có thể từ giải pháp này, tính toán cách làm để yên tâm với nguồn kịch bản. "Bên cạnh việc khai thác những kịch bản của các tác giả trong nước, Sân khấu Kịch IDECAF có 2 hướng đầu tư cho nguồn kịch bản: khai thác với góc nhìn mới những tác phẩm hay, kinh điển của sân khấu thế giới và đặt hàng các tác giả trẻ chuyển thể từ phim điện ảnh ăn khách. Hai nguồn này sẽ là cơ hội giúp các diễn viên bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề và người xem hôm nay được thưởng thức những tác phẩm chất lượng" - bầu Tuấn thông tin.
Sân khấu Kịch Minh Nhí cũng đi theo hướng tích cực này. Theo nghệ sĩ Minh Nhí, sở dĩ anh chuẩn bị nguồn kịch bản cho việc dàn dựng để mình không rơi vào thế bị động. "Trên thực tế, nguồn kịch bản mới rất nhiều, chịu khó gia công cũng sẽ làm được. Chẳng hạn, mỗi ngày trong các kỳ thi tốt nghiệp của đạo diễn trẻ ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM hoặc tại lò đào tạo của các sân khấu xã hội hóa, nhiều vở dài, vở ngắn, thậm chí tiểu phẩm, có nội dung rất hay, nếu triển khai thành kịch bản chỉn chu sẽ tạo hiệu ứng tích cực" - nghệ sĩ Minh Nhí nói.
Nhìn nhận hiện trạng khan hiếm kịch bản đương đại đạt chất lượng, đạo diễn Thanh Thủy cho rằng khi đời sống sàn diễn chỉ chăm bẳm vào vở cũ, thiếu vắng những kịch bản mới đề cập trực diện các vấn đề xã hội thì đó là điều đáng báo động.
Cần phải mới
Kịch bản cũ hay được khai thác kiểu mới luôn được khán giả ủng hộ bởi bên cạnh giá trị tư tưởng của tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn thì hình thức dàn dựng cũng cập nhật.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, cách làm này vẫn là "con dao hai lưỡi" vì khán giả yêu thích sân khấu kịch từng xem đều đã biết nội dung câu chuyện. Vấn đề đặt ra là cách dàn dựng phải mới, diễn viên trẻ có đủ sức hút, đồng thời vấn đề thời sự được cập nhật có quyện vào kịch một cách hợp lý và thông điệp gửi gắm với công chúng hôm nay có gì mới.
Bình luận (0)