Vua chúa trước đây làm gì cũng phải theo nghi lễ, như được ghi trong sách "Hội điển sự lệ". Các nghi lễ ngày Tết của nhà vua đều được Khâm Thiên giám chọn ngày và diễn ra theo sự sắp đặt của bộ Lễ.
Nghi lễ đón tết trong cung Nguyễn - Ảnh: Nhà nghiên cứu Võ Tòng Xuân.
Từ thời Lý về trước, nghi lễ cúng tế ngày Tết của các vua hiện không có tài liệu nói rõ. Chỉ biết sau thời Lý mà Phật giáo thịnh hành, sang đầu thời Trần, nhiều nghi lễ triều đình trong ngày Tết vẫn còn liên quan đến Phật giáo. Từ ngày 28 tháng Chạp, vua thường cùng các quan tế đền Đế Thích (Thần Indra) ngoài thành Thăng Long. Đêm Giao thừa, vua thường mời nhà sư vào Đại Nội tụng kinh và làm lễ Khuna (đuổi ma quỷ).
Các vua từ thời Trần, Lê, đến Nguyễn ngày Tết đều chú trọng cúng lễ tổ tiên. Nhà Trần, nhà Lê làm vua xa quê, nên ngày Tết thường làm lễ bái vọng tổ tiên. Như các vua nhà Trần, thì ngày mùng Một Tết, sau khi nhận lễ bái hạ của con cháu và quan tướng buổi sáng, thường đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng tổ tiên ở Thiên Trường phía Nam làm lễ vọng bái.
Sang thời Lê Trung Hưng, theo một tư liệu về nghi lễ cúng Tết thời do Hội đồng dòng họ Lê tại Thanh Hóa lưu giữ, thì vào ngày mùng Một Tết, các vua Lê cũng thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên ngay tại điện Kính Thiên, rồi mới tiến hành nhận nghi thức chúc thọ của hoàng tộc và trăm quan. Điện Kính Thiên, thời Lê sơ vốn là nơi vua thiết đại triều, đến thời Lê Trung Hưng, chính quyền nằm trong tay các chúa Trịnh, thì nghi lễ đại triều không còn nữa, điện chuyển thành nơi vua Lê thờ cúng tổ tiên.
Trong 4 ngày Tết, Thái miếu, nơi thờ các vị vua trước và tổ tiên Lê Thái Tổ, cũng luôn đỏ đèn với các nghi lễ thờ phụng. Lễ vật cúng các bậc tiên vương ở Thái miếu gồm 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ, dầu, mật, mắm muối... và mỗi ngày Tết đều dâng 20 mâm cỗ để cúng. Ở Điện Chí Kính, nơi vua thiết triều, lễ vật cũng có 240 bát gạo nếp, 36 bát gạo tẻ… các cung miếu khác ở trong triều mỗi ngày phải chuẩn bị 65 mâm để cúng.
Theo bộ sử triều Nguyễn "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục", vào dịp Tết, các vua nhà hậu Lê đều cùng bá quan văn võ đến yết Thái miếu để ghi nhớ công ơn tổ tiên, sau đó mới về cung mặc áo trắng coi chầu, cho dàn nhạc nổi lên điệu Bình Ngô phá trận và nhận biểu mừng thọ của các quan, chúc muôn họ no đủ, đất nước thái bình.
Sang thời Nguyễn, do lăng mộ tổ tiên (các chúa Nguyễn, các vua trước từ Gia Long về sau) đều ở ngay ngoại thành kinh đô Phú Xuân, nên từ giữa tháng Chạp, hoàng gia thường tiến hành lễ chạp mả tổ tiên. Dẫn đầu đoàn thường là các vị Tôn Thất đức cao vọng trọng thay mặt nhà vua, cùng các vị quan đầu triều.
Từ ngày 30 đến mùng Ba Tết, Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn), Thế miếu (thờ các vua Nguyễn) và điện Phụng Tiên (thờ toàn thể các bậc tổ tiên và các phu nhân), luôn bày cỗ bàn để dâng cúng, hương khói nghi ngút. Mỗi lần cúng có tới 32 món ăn… Đồ cúng do bếp Ngự thiện của nhà vua nấu hoặc từ sản vật của các địa phương dâng về kinh thành.
Trong ngày tất niên (30 Tết), triều Nguyễn sẽ cử hành lễ Cáp hưởng để mời vong linh các vị tiên đế về cùng "ăn Tết" với triều đình. Đích thân nhà vua sẽ đến Thái miếu hoặc Thế miếu làm chủ lễ. Triều Nguyễn quy định những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, vua thân hành đến Thế miếu làm lễ. Năm còn lại Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi, vua tới Thái miếu làm chủ tế. Các Hoàng tử, hoàng thân sẽ thay vua tế ở các miếu khác.
Để tiễn năm cũ, triều Nguyễn làm lễ Trừ tuế ở các miếu thờ tổ tiên. Lễ trừ Tuế tế một tuần rượu và không có văn khấn. Đến lúc giao thừa, sẽ làm lễ Trừ tịch, lại cúng tổ tiên toàn bằng cỗ chay. Vào thời khắc đón năm mới đến, các vị hoàng tử, hoàng thân đã được phân công nhiệm vụ đến các miếu làm lễ cúng Giao thừa. Quan văn, quan võ Ngũ phẩm trở lên lần lượt theo sau bồi tự.
Sáng mùng Một và mùng Ba Tết, nhà vua lại đến các miếu thân làm lễ mời tổ tiên ăn Tết. Mỗi lễ trong ngày mùng Một và ngày mùng Ba Tết là 6 mâm hào soạn hạng nhất, mỗi án 2 mâm. Nghi thức tế của ngày mùng Một là làm lễ 3 tuần rượu và không có văn khấn. Còn ngày mùng Hai, trong buổi tế này có văn khấn. Thường thì khi các vua triều Nguyễn thực hiện lễ cúng tổ tiên xong, sẽ đốt pháo giấy. Tuy nhiên, từ năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng đã cho đình chỉ việc vì cho rằng "không phải là tỏ rõ ý nghiêm kính".
Ngày mùng Ba Tết, sau khi thực hiện các nghi thức tế tự, các vua triều Nguyễn cho chuẩn định đem các thứ hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc, trộn đều, rồi bỏ vào lư đồng đốt. Với một số lượng vàng mã lớn được lưu lại từ ngày 30 Tết ở các nơi thờ tự, hoàng cung triều Nguyễn đã cho đúc thêm 4 con thú đồng đặt ở dưới thềm, gian giữa Thái miếu và Thế miếu, mỗi nơi 2 con để phục vụ cho lễ hóa vàng cầu âm phúc.
Bình luận (0)