Viên ngọc sáng hay mờ tùy thuộc vào chính ta.
TP HCM hôm nay là Sài Gòn xưa trong lịch sử, bằng công đức của lớp lớp tiền nhân mấy trăm năm khai phá, tranh đấu, giữ gìn mà có được một vùng đô thị rộng lớn, độc đáo và đa dạng như bây giờ. Ít có đô thị nào ở Việt Nam có sự đa dạng và độc đáo về địa hình như Sài Gòn - TP HCM.
Những lợi thế rất riêng
TP HCM nằm ở tâm điểm của khu vực Đông Nam Á và là ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây; là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng Nam Bộ; là cửa ngõ quốc tế với cảng biển Sài Gòn có năng lực hoạt động 10 triệu tấn/năm, với sân bay Tân Sơn Nhất có hàng chục đường bay trong nước và quốc tế. Một đô thị như Sài Gòn - TP HCM vừa có vùng gò đồi như Thủ Đức, Củ Chi vừa có biển Cần Giờ và rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; vừa có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc vừa có nhiều công trình kiến trúc cổ trăm năm, những di tích nhiều thế kỷ và phong phú về loại hình nhất so với các đô thị trong cả nước.
Với những lợi thế không phải đô thị nào cũng có ấy, phải chăng đã đến lúc đặt ra câu hỏi: "Vậy Sài Gòn - TP HCM hôm nay đang có gương mặt ra sao, đang khai thác, phát huy thế mạnh ấy như thế nào để đi tới văn minh, giàu mạnh?".
Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ô nhiễm năm xưa nay đã thành một không gian trong lành, sạch đẹp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau khi Hà Nội được mở rộng vào năm 2008, TP HCM đã trở thành đô thị lớn thứ hai ở Việt Nam về diện tích (hơn 2.095 km2) và đến nay vẫn là địa phương có số dân cao nhất nước (hơn 9,5 triệu người). Thực ra, đứng nhất hay nhì về diện tích và dân số cũng quan trọng khi xét ở góc độ kinh tế. Dẫn chứng là giai đoạn 1996 - 2000, trên 1 km2 của TP HCM tạo ra GDP gấp 27 lần so với bình quân cả nước, giai đoạn 2001 - 2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011 - 2019 gấp 35 lần. Nhưng cứ mỗi khi nhắc đến khái niệm to lớn, giàu mạnh, nhất nhì lại không khỏi khẽ giật mình khi nhớ đến câu ai đó từng nhắc nhở, nhẹ nhàng mà thấm thía: Một người, một địa phương, một quốc gia phải cố mà tránh rơi vào nhận xét sau đây: "Lớn mà không mạnh, giàu mà không văn minh".
Rất nhiều điều vui
Nếu có điều gì dễ nhận thấy nhất và đáng công nhận nhất về sự đổi thay tích cực của TP HCM trong 45 năm qua thì đó chính là việc từng bước tổ chức lại giao thông bằng những cây cầu xây mới và mở rộng bắc qua sông Sài Gòn; những nút giao thông hiện đại ở Hàng Xanh, Cộng Hòa, An Sương, Củ Chi…; những cây cầu trên cao, là các đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, là đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn; là hệ thống metro đầu tiên của Việt Nam mà một tuyến trong đó sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2021... Đó là việc biến dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ô nhiễm khủng khiếp năm xưa thành một không gian trong lành, sạch đẹp. Về sự đổi thay tích cực còn có thể kể đến một bệnh viện Nhi Đồng mới khang trang, hiện đại ở huyện Bình Chánh; các trường đại học mới xây dựng mà cơ sở vật chất và điều kiện học tập đạt chuẩn khu vực và nằm trong tốp đầu của Việt Nam như Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng; những khu đô thị mới với chất lượng sống cao về môi trường và an ninh như Phú Mỹ Hưng…
Những thành tựu về công trình hạ tầng của Sài Gòn - TP HCM 45 năm qua còn được tăng thêm giá trị bội phần vì lối sống đẹp của thị dân thể hiện qua các hoạt động "nhà tình nghĩa", quán ăn 2000, suất cơm miễn phí, hàng triệu suất học bổng cho học sinh - sinh viên, "ATM gạo"… Sự phát triển của TP HCM còn được công nhận ở trong nước và trên thế giới về trình độ chuyên môn y tế mà các ca phẫu thuật tách đôi phức tạp gần đây và việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là những ví dụ sinh động. Những câu chuyện chưa đầy đủ ở trên là thực trạng vui đầy sức thuyết phục. Tất nhiên, thực trạng buồn cũng rất thật và không hề ít.
Không ít những câu chuyện chưa vui
Sao có thể vui khi hàng loạt vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân đô thị được xử lý quá chậm, thậm chí đến nay, sau 45 năm, chưa giải quyết. Ai ở Sài Gòn - TP HCM và đến Sài Gòn - TP HCM suốt nhiều năm qua đều tự hỏi: Vì sao cứ mưa lớn, thậm chí mưa chưa lớn thì nhiều con phố lớn nhỏ trong TP đều ngập nước khiến cho việc sinh hoạt đô thị gặp rất nhiều khó khăn? Vì sao việc ô nhiễm không khí ngày càng tăng lên và kỹ thuật xử lý rác thải tiếp tục kém khiến cho cứ đến mùa mưa thì cư dân ở một số khu vực trong TP lại phải chịu đựng mùi hôi rất khó chịu? Vì sao việc quy hoạch và cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô không đồng bộ với năng lực và giải pháp lưu thông khiến việc kẹt xe ngày càng trầm trọng nhiều năm qua trở thành nỗi ức chế của cư dân đô thị và gây ra sự lãng phí vật chất kéo dài? Vì sao nạn chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ để kinh doanh gây ra tình trạng mất an toàn giao thông đã được xới lên, có lúc tưởng như có thể giải quyết, lại quay về tình trạng y như cũ? Vì sao diện tích cây xanh của TP HCM cứ giảm đi trông thấy thay vì phải tăng lên cùng với cấp độ tăng dân số? Vì sao tình trạng xâm hại di tích và cảnh quan di sản đã được pháp luật quy định vẫn diễn ra, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn? Việc di tích nhà cổ Vương Hồng Sển bị xâm hại và bỏ phế nhiều năm qua, lò gốm Hưng Lợi ở quận 8 - di tích khảo cổ học cấp quốc gia - bị người dân san phẳng năm 2019, di tích Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM bị công trình xây nhà cao tầng với 4 tầng hầm của một doanh nghiệp làm rạn nứt liên tiếp trong 2 năm 2019 - 2020 là những dẫn chứng cụ thể nhất và mới nhất cho tình trạng đáng buồn nói trên. Còn có thể đặt câu hỏi vì sao bờ sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm lại được cấp phép xây nhiều nhà cao tầng đến thế, thậm chí lấn cả mặt sông? Vì sao đến nay vẫn tồn tại tình trạng thiếu điểm biểu diễn nghệ thuật xứng tầm với một đô thị lớn và là đầu mối giao lưu quốc tế như TP HCM, trong khi các dự án xây nhà hát tạp kỹ đa năng ở Phú Thọ và nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch kéo dài gần 20 năm chưa thể triển khai?...
Có ai đó nói Sài Gòn - TP HCM từng được ví là "Hòn ngọc Viễn Đông", phải làm sao cho nó ngày càng đẹp hơn, xứng đáng với danh xưng đó. Tại sao lại không nghĩ rằng: Viên ngọc ấy sáng hay mờ là tùy thuộc chính những người đang sống ở TP này, dù là người có chức trách theo luật định hay chỉ là một thị dân bình thường nhưng tình yêu dành cho nơi mình sống thì không bình thường chút nào hết.
Xóa "vết nám xấu xí"
Rất nhiều việc có thể làm, thậm chí làm ngay để cải thiện những "vết nám xấu xí" xuất hiện gần đây trên gương mặt đô thị TP HCM, không thể kể đếm hết.
Chẳng hạn, ở các đô thị đông khách du lịch tại Mỹ, Đức, Áo... những người bán đồ ăn rong đeo thùng hàng trên người để phục vụ nhu cầu của người mua, trật tự và sạch sẽ. Ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thực khách vẫn có thể tìm đến các xe bán hàng rong truyền thống ở những địa điểm đã được cho phép. Người bán không được đặt ghế cho khách và phải có thùng rác ngay trong xe.
Sao TP không thể tổ chức thi sáng tác các mẫu quầy bán hàng rong và quầy sách báo lưu động đa dạng, hợp vệ sinh và có chính sách khuyến khích về giá mua để người sử dụng có thể tham gia vào việc vừa bảo đảm nhu cầu mưu sinh vừa góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị?
Khi triển khai được các việc trên thì lập lại trật tự trên vỉa hè và lòng đường không còn khó nữa. Đã tạo thuận lợi hết mức cho người bán và người mua thì ai vi phạm sẽ bị xử phạt mà không ngại ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người nghèo kiếm sống bằng bán hàng trên phố.
Kỳ tới: Văn hóa thị dân làm nên văn minh đô thị
Bình luận (0)