Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng TP HCM đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm. Là TP đặc biệt nhưng chưa có một "thánh đường" nghệ thuật nào, chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm... Đây là thực tế khó phủ nhận.
Chẳng lẽ chỉ múa hát ngoài đường
Câu chuyện của đạo diễn Phạm Hoàng Nam về những dự án nghệ thuật anh đã ấp ủ để thực hiện cho TP HCM 10 năm trước cho đến nay vẫn không hiện thực hóa được vì thiếu địa điểm đã phơi bày nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở TP HCM vào thế bế tắc. "TP HCM tuy lớn nhất cả nước nhưng chưa có nổi một nhà hát đúng tầm, đồng thời quỹ đất cho nhà hát thiếu" - đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói. Sự thật, TP HCM không thiếu quỹ đất cho nhà hát.
TP HCM từng có khoảng 70 rạp hát, rạp chiếu phim được xây dựng trước năm 1975 tập trung ở khu vực Sài Gòn và Chợ Lớn, vị trí mặt tiền đường khu vực trung tâm. Sau năm 1975, hệ thống rạp này được phân chia cho nhiều đơn vị, sở, ngành và địa phương, quận - huyện quản lý. Nhiều rạp sử dụng làm vốn liên doanh phát triển kinh tế, một số rạp chuyển đổi công năng, biến thành trung tâm thương mại, giải trí đa năng, có cả dịch vụ massage body đi kèm; một số rạp thuộc quận, sở, ngành quản lý bỏ hoang phế, xuống cấp trở thành kho bãi... Nếu quy hoạch lại, cải tạo hoặc xây mới trên nền đất cũ vẫn tạo nên hệ thống nhà hát quy mô nhỏ phục vụ tốt cho các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật của TP.
Thử nhìn ra TP Hà Nội, dành cho sân khấu kịch, họ có Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) với 650 ghế ngồi; Nhà hát Chuông Vàng (số 72 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) với 250 ghế ngồi; Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) với 170 ghế. Các môn nghệ thuật truyền thống dân tộc cũng có sân khấu riêng: Nhà hát Hồng Hà (số 51 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm) dành cho sân khấu tuồng; Nhà hát Cải lương Trung ương (số 164 Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng); Nhà hát Chèo Việt Nam (khu Văn công Mai Dịch, huyện Từ Liêm), từ năm 2007 thêm một điểm biểu diễn ở Kim Mã, Giang Văn Minh; rạp múa rối nước Thăng Long (phố Đinh Tiên Hoàng, bờ hồ Hoàn Kiếm) thường được nhiều khách du lịch tìm đến. Các nhà hát này đa phần đều được nâng cấp hiện đại. Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội cũng là một địa điểm biểu diễn quan trọng. Ngoài ra, có 4 công trình được xây mới vào dịp mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: rạp Công Nhân (số 42 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm); rạp Đại Nam (số 89 phố Huế, quận Hoàn Kiếm) địa chỉ thương hiệu của "chèo Hà Nội"; rạp Kim Đồng (số 19 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) và nhà hát ngoài trời Công viên Tuổi Trẻ.
Rạp chiếu phim Thăng Long nổi tiếng một thời tại số 19 Cao Thắng (quận 3, TP HCM) nay đã thành tòa nhà thương mại, giải trí tổng hợp có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ massage Ảnh: Tấn Thạnh
Nhìn lại TP HCM, chúng ta có gì ngoài Nhà hát Thành phố, do Pháp xây để lại. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là công trình nhà hát xây mới đầu tiên của TP HCM trên nền rạp Hưng Đạo cũ nhưng theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM) là công trình nhà hát thiết kế lỗi, không phục vụ hiệu quả cho hoạt động biểu diễn, vì dồn quá nhiều thứ trong đó. Hầu hết sân khấu hiện nay đều hoạt động biểu diễn tạm bợ trên các sàn diễn thuê mướn mặt bằng cải tạo lại trong các nhà văn hóa. Một số rạp giao cho các đoàn nghệ thuật của nhà nước sử dụng nhưng do không được cải tạo hoặc xây mới hiện đại nên gần như không hoạt động được hoặc chỉ hoạt động cho có.
Có hạ tầng và chính sách phù hợp là đủ
Đúng như lời đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ, làm gì cũng phải có cảm hứng mới có động lực và tâm huyết được, nhất là nghệ thuật. Không có địa điểm để trình diễn, cứ ra phố đi bộ thì khó có cảm hứng, động lực và tâm huyết. "À ố show" cũng vô cùng khó khăn vì địa điểm, họ đang phải thuê tạm Nhà hát Thành phố để diễn nhưng không ổn định vì có nhiều sự kiện khác diễn ra ở đây.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu ước ao có được quy hoạch khu nhà hát kịch nghệ từ những rạp đang bỏ phế hoặc sử dụng sai công năng nằm trong vùng lõi khu trung tâm quận 1 để có nơi cho các loại hình nghệ thuật truyền thống trình diễn, phát triển văn hóa và khai thác du lịch.
Niềm ao ước của đạo diễn Trần Ngọc Giàu liệu có được hiện thực hóa không khi quỹ đất mặt tiền khu trung tâm thường không hề dễ dàng đụng đến, nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo TP?
Giới chuyên môn cho rằng chỉ cần TP tạo dựng được cơ sở hạ tầng cho văn hóa nghệ thuật cùng cơ chế, chính sách phù hợp, tự khắc sẽ thu hút mọi nguồn lực đầu tư. Thực tế hoạt động điện ảnh tại TP HCM cho thấy khi hệ thống rạp chiếu phim hiện đại được các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng nên, khán giả quay lại rạp đã kích thích nhà sản xuất phim đổ vốn sản xuất phim đưa TP HCM trở thành trung tâm điện ảnh của cả nước.
Quỹ đất có trong tay, ngân sách đầu tư cho văn hóa không thiếu, cơ chế, chính sách do lãnh đạo TP ban hành, vấn đề còn lại là sự quyết tâm mà thôi!.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM:
Những người có trách nhiệm không thể thờ ơ
Cơ quan Ban Tuyên giáo với cấp độ quản lý đang được giao nhiệm vụ, tôi biểu dương Báo Người Lao Động có loạt bài "TP HCM thừa sức xây nên thương hiệu văn hóa đặc trưng". Loạt bài rất tốt, tôi đánh giá rất cao. Loạt bài đi vào phân tích, nhận định tình hình văn hóa nói chung của TP, trong đó đưa ra ý kiến làm sao trên tinh thần quan tâm đến nét đặc trưng không chỉ là của TP mà còn khu vực phía Nam. Một loạt bài rất tích cực, thể hiện được cái tâm huyết của người làm văn hóa để làm sao bên cạnh tiếp nhận tiên tiến, tiến bộ của các nước phát triển nhưng vẫn phải lưu giữ, phát triển bản sắc của mình, trong đó có đặc trưng văn hóa TP. Tôi thấy vấn đề Báo Người Lao Động nêu tuy mới là những đốm sáng nhưng những nhà quản lý cần từ đó có cái nhìn toàn cảnh đầy đủ hơn nữa về đời sống văn hóa, tinh thần của TP. Để từ đó, chúng ta tạo nên những thương hiệu đặc trưng, những điểm nhấn có tính chất đại diện, chuyển tải đời sống văn hóa, tinh thần ở một đô thị lớn như TP. Tôi thấy có một vài nhận định đưa ra của một số chuyên gia về văn hóa là rất đúng. Tôi mong Ban Tuyên giáo TP sẽ cùng Sở Văn hóa - Thể thao TP, Báo Người Lao Động tiến hành một cuộc tọa đàm để lắng nghe tiếng nói sâu rộng hơn. Từ đó, chúng ta có thể định khung, có kế hoạch chi tiết để tạo ra sắc thái văn hóa riêng cho TP.
Tôi nghĩ với một loạt bài tâm huyết như thế nếu không được các nhà quản lý tiếp thu, dẫn đến chỗ thiếu trách nhiệm, dửng dưng là điều vô cùng đáng tiếc. Nó khiến những người tâm huyết, những văn nghệ sĩ, những người đam mê xây dựng văn hóa cảm thấy những người quản lý thờ ơ. Thế hệ sau sẽ phê phán chúng ta thiếu cái tâm, chưa có trách nhiệm đúng mức về việc xây dựng đời sống văn hóa. Báo thông tin, văn nghệ sĩ, người dân mong chờ mà những nhà chuyên môn có trách nhiệm lĩnh vực đó thờ ơ sẽ là điều không chấp nhận được.
Bà Lê Tú Lệ - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM:
Quá thiếu và yếu!
Đến giờ, lãnh đạo TP thấy thương hiệu văn hóa TP ít quá, nghèo nàn quá nên quan tâm, lo lắng. Đây là tín hiệu vui nhưng làm thế nào để cải thiện là chuyện cần cả sự đồng lòng chung từ lãnh đạo cho đến các cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện và công tác tuyên truyền cũng như kêu gọi xã hội hóa để các hoạt động lễ hội đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh các lễ hội văn hóa mang màu sắc đặc trưng của vùng đất, con người phương Nam, yếu tố hội nhập cũng vô cùng cần thiết trong xây dựng các thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP HCM. Các hoạt động nghệ thuật phải kéo theo thiết chế văn hóa dành cho nghệ thuật chuyên nghiệp, dành cho nghệ thuật đỉnh cao. Cái này hiện nay TP quá thiếu và quá yếu.
Minh Khuê ghi
Bình luận (0)