Cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội chứa không biết bao nhiêu ký ức về Hà Nội những năm bao cấp đã qua
Trong không gian đẹp ít có của Hà Nội - 70 Nguyễn Du, những hiện vật gợi nhớ về một thời quá khứ của Hà Nội những năm 70-80: thời bao cấp, được sắp đặt một cách nhẹ nhàng. Đó là những đèn dầu, kẹo lạc nhấm nháp với chén trà nóng, ấm vối tươi nóng hay lọ hoa thược dược, đồng tiền..., gần như đã biến mất trong đời sống hiện đại của hầu hết người dân Hà Nội.
Trong buổi khai mạc triển lãm tranh về "Ký ức Hà Nội", các hoạ sỹ chuyên và không chuyên của nhóm Urban Sketcher Hà Nội (USK) đã mang đến cho người xem với 250 bức ký hoạ xuất sắc trong số hàng ngàn tác phẩm có chủ đề tập thể Hà Nội xưa. Những tác phẩm này đã được chọn lọc và thẩm định bởi những chuyên gia mỹ thuật, hội hoạ và kiến trúc hàng đầu. những bức ký hoạ về tập thể cũ Hà Nội đã đưa hàng trăm người Hà Nội trở về những ký ức về một thời Hà Nội bình yên, nghèo nhưng thấm đẫm tình người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và bà Phạm Bích Hạnh, nhà tổ chức chương trình. Với ông, những người viết và vẽ về các chung cư thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một cư dân chung cư cũ của Hà Nội, tâm sự, triển lãm ký ức Hà Nội cũng như cuốn sách ảnh Hà Nội thời bao cấp đã giúp biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng, giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. "Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ" – nhà văn nổi tiếng chia sẻ. Ông cũng tâm sự, những người viết và vẽ về các chung cư thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn.
Những trang viết thật giản dị, trung thực nhưng xúc động lạ thường. Nó giúp người đọc nhận ra rất rõ ràng một điều : những người viết đang trở về nơi chốn mình đã sống trước kia bằng một con đường trong tâm khảm. Con đường của những kỷ niệm, những buồn vui, những da diết, những thương nhớ và những suy ngẫm về chính đời sống của cá nhân mình. Những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội… giờ đây lại hiện ra trong một ánh sáng khác.
Từ trái qua: Vợ chồng nhà thiết kế Ngân An cùng nhà thiết kế Anh Thư, ca sĩ Hồng Liên bên bữa cơm bao cấp
NSƯT Hồng Liên, một người con gái Hà Nội, đã sống cả một đời ở mảnh đất Tràng An, cho hay chị thực sự xúc động khi được trải nghiệm những thứ mà lâu nay tưởng như đã quên trong tiềm thức, đó là những điều gắn với suốt quãng đời ấu thơ và cả tuổi thanh xuân của mình. Nhìn mâm cơm bao cấp với những món ăn quen thuộc, ký ức lại ùa về, biết bao kỷ niệm tuổi thơ bên bố mẹ ông bà và những người thân yêu. "Cảm ơn các bạn đã tổ chức ra triển lãm này để tôi có thể quay ngược về quá khứ, nhắc nhở mình về một thời gian khó để biết trân trọng quá khứ hơn"- chị nói.
Bữa cơm bao cấp gợi nhớ về những kỷ niệm xưa
Triển lãm "Ký ức Hà Nội" sẽ kéo dài 1 tháng, đến hết tháng 1-2019 tại 70 Nguyễn Du. Khách tham quan ngoài thưởng lãm những bức tranh vẽ Hà Nội cũ, mua sách thì còn được thưởng thức bữa cơm bao cấp như một cách nhớ về tuổi thơ. Vẫn những món ăn tưởng như quen thuộc với thế hệ "ông bà ta" như lạc rang muối, canh cua rau sam tập tàng, cà pháo, rau muống luộc chấm tương bần, dưa chua xào tóp mỡ, cá khô, đậu phụ rán nhúng hành, cơm độn sắn độn bo bo... nhưng mang tới một trải nghiệm rất mới mẻ.
Bình luận (0)