Bi kịch của Nguyễn Trãi đã được nhiều người khai thác và mang lên sân khấu. Nhưng lần này, tác giả Lê Chí Trung đã viết "Yêu là thoát tội" (đạo diễn: Xuân Hồng) bằng một góc nhìn mới, được Nhà hát Thế Giới Trẻ dàn dựng bằng thủ pháp thật giản dị mà hiện đại, với dàn diễn viên gạo cội, đẹp trong diễn xuất chuẩn mực, đẹp trong nhả chữ và nhấn nhá từng câu từng từ. Đây là một trong những vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu kịch Toàn quốc 2018 đang diễn ra tại TP HCM.
Thật ra, Lê Chí Trung bảo rằng ông không muốn bất kính với tiền nhân khi viết về những chuyện tình, cho nên ông chỉ gọi tên nhân vật là Nguyễn Thái úy, Thị Lan, nhà vua, hoàng hậu… Dĩ nhiên, khi xem vở ai cũng biết đó là chuyện đời Nguyễn Trãi nhưng Lê Chí Trung nói xin hãy coi đây là một câu chuyện ngoại sử mà ông cảm tác. Bởi lịch sử đã có những khoảng trống, những truyền thuyết để Lê Chí Trung tận dụng. Ông thành công ở điểm này nhưng cũng ngại nhất ở điểm này.
Tác giả không nói nhiều về những thủ đoạn, những sát phạt chính trị, mà ông nhấn mạnh nỗi cô đơn của những con người trong thời cuộc ấy. Thời cuộc vừa tan chiến tranh, hòa bình chưa bao lâu, vẫn còn ngổn ngang chuyện xây dựng sơn hà xã tắc nhưng nội triều nhà Lê đã bộc phát chuyện tranh giành quyền lợi, nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng chà đạp lên nhau. Thời cuộc ấy đã sinh ra những con người cô đơn cùng tận khi họ muốn tìm về, muốn giữ gìn, muốn khai phóng những giá trị tốt đẹp. Cô đơn đã tình cờ kết nối họ với nhau và họ cũng chết bên nhau.
Lê Chí Trung đã viết về nỗi cô đơn của Thái úy - Thị Lan - nhà vua. Bộ ba này đã kết chặt trong bi kịch tình yêu và chính trị. Thái úy như cội cây cô đơn trên đỉnh núi, hứng sương mai trong trẻo thanh khiết song cũng bị gió bốn bề quăng quật, bẻ gãy bất cứ lúc nào. Ông mang nỗi cô đơn của kẻ sĩ quá tài hoa, quá tâm huyết. Ít ai hiểu ông, cũng không ai giúp nổi ông khi ông cần thực hiện những ước mơ và cũng không giúp nổi ông khi hoạn nạn. Có lẽ, chỉ người vợ là hiểu ông nhất, bà chính là điểm tựa của ông lúc tuổi già sức yếu. Nhưng điểm tựa cuối cùng ấy cũng bị nhà vua đoạt lấy, bỏ ông trơ trọi một mình nơi đất Long Sơn cằn cỗi.
Nhà vua cũng cô đơn trên ngai vàng quyền lực. Ông là người thông minh, mạnh mẽ, quyết đoán, rất muốn xây dựng giang sơn hùng cường hưng thịnh. Nhưng ông cũng có nhược điểm là cứng rắn, hà khắc, đam mê nhan sắc. Ông vô tình đẩy những trung thần đi xa mình. Ông cô đơn trong bầy nịnh thần gian trá. Ông cũng cô đơn giữa bầy cung tần mỹ nữ mà ông cho rằng rỗng tuếch, chỉ biết chiều chuộng, tranh giành, đòi hỏi nơi ông đến phát chán. Tận sâu trong trái tim, ông cần một hồng nhan tri kỷ.
Sĩ Hoàng (Thái giám Nguyễn Hiền), NSUT Trần Tường (Thái uý), NSUT Hoàng Yến (Thị Lan) trong vở "Yêu là thoát tội"
Thị Lan đã xuất hiện giữa hai người đàn ông này. Bà như cánh hoa trôi dạt giữa dòng đời, không thể chống lại sóng gió từ kẻ có sức mạnh nhiều hơn. Thái úy là mặt trời trong tim bà nhưng nhà vua lại là mùa xuân trong tuổi trẻ phơi phới của bà. Lý trí và bản năng kéo bà về đôi phía, nỗi ân hận, mặc cảm cứ chồng chéo lên niềm hoan lạc, hạnh phúc xuân thì. Thị Lan là cái phao của Thái úy, cũng đồng thời là cái phao của nhà vua. Ông tìm được một sắc đẹp đầy trí tuệ để ông có thể chia sẻ nỗi niềm. Tình yêu của nhà vua thật hợp lý, dẫu theo đạo lý thì hoàn toàn sai trái. Thị Lan đã thấu hiểu nhà vua song khi bà nói ra thì Thái úy lại nghi ngờ bà. Cuối cùng, Thị Lan cũng cô đơn với nghi án phản bội.
Nỗi cô đơn hầu như phủ trùm hoàng cung với ánh sáng mờ mờ nhân ảnh. Ngay cả Thái giám Nguyễn Hiền cũng đã tự sát vì không chịu nổi sự cô đơn của mình. Thị Lan và nhà vua cũng ra đi vĩnh viễn. Những cái chết được xử lý thật đẹp, đầy tính ước lệ, với màu áo đen giản dị và những tạo hình thanh nhã. Nhưng với tựa đề mà Lê Chí Trung đã đặt, tình yêu chân thành là không có tội. Cả ba người đều yêu và thoát tội. Miệng đời không chê trách họ, bởi người ta đều có thể biết yêu.
Đã khá lâu mới được xem một vở kịch đầy chất văn học như thế. Lắng nghe từng câu thoại mới thấm thía. Trang phục mà Sĩ Hoàng thiết kế cho vở cũng rất thanh nhã. Cả vở kịch toát lên nét sang trọng trong sự giản dị. NSƯT Hoàng Yến (Thị Lan), NSƯT Trần Tường (Thái úy), Lê Hoàng Giang (nhà vua), Phạm Huy Thục (nịnh thần Lê Đa), nhà thiết kế Sĩ Hoàng (thái giám Nguyễn Hiền) là những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong vở kịch. Sự nghiêm túc lẫn duyên dáng của họ đã làm khán giả bất ngờ. Trong bi kịch vẫn có những tràng cười điểm xuyết. Cười khóc đều chừng mực. Bỗng mong ước sẽ có nhiều giáo viên, sinh viên, học sinh, công chức được đến xem với giá vé thật mềm. Chúng ta đang học sử lẫn học văn bằng những kịch bản rất đẹp như "Bí mật vườn Lệ Chi", "Tiên Nga", "Yêu là thoát tội"…
Bình luận (0)