Ngày 24-7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận (viết tắt là Ban Quản lý) đã thông tin liên quan đến dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).
Chưa đồng ý phương án giải phóng mặt bằng
Theo đại diện Ban Quản lý, một trong những nội dung mà Hội đồng thẩm định ĐTM dự án yêu cầu phải làm rõ đó chính là phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
"Hội đồng thẩm định đề nghị làm rõ việc di dời các mộ của người dân nằm trong lòng hồ. Nội dung này, vừa qua huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp để kiểm kê và rà soát thì có khoảng 87 ngôi mộ cần phải di dời khỏi lòng hồ. Bên cạnh đó là nội dung phương án di dời Dinh Cậu nằm trong lòng hồ. Đây là một trong những nội dung mà Hội đồng thẩm định ĐTM hỏi chúng tôi rất nhiều.
Về nội dung này, chúng tôi đã được UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp với các sở ngành làm việc với các sư cả người Chăm về phương án di dời và thống nhất vị trí cấp lại khu đất khác để xây dựng Dinh" – đại diện Ban Quản lý nói.
Cũng liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng, Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tỉnh Bình Thuận làm rõ nội dung khi giải phóng mặt bằng của 5 hộ dân, với diện tích khoảng 1ha trong lòng hồ thì phải đền bù bằng tiền hoặc hỗ trợ tái định cư.
Chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét cho biết đã làm việc lại với các hộ dân và thống nhất phương án bồi thường bằng tiền, không hỗ trợ tái định cư.
Thay đổi phương án trồng rừng thay thế
Liên quan đến việc trồng rừng thay thế cho dự án hồ chứa nước Ka Pét, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết thực hiện theo Thông tư số 13 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thì phải tổ chức trồng rừng với diện tích 1.845ha, gấp 3 lần diện tích rừng làm dự án.
"Bộ NN-PTNT có hai thông tư thay thế Thông tư số 13 này, đó là Thông tư số 15 năm 2022 và thông tư số 22 năm 2023, trong đó có nội dung là không quy định bắt buộc chúng ta phải trồng rừng thay thế. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định thu hồi phương án trồng rừng thay thế để triển khai theo hai thông tư mới" – đại diện chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét nói.
Theo hướng dẫn từ các thông tư mới, đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ được chủ đầu tư nộp tiền vào quỹ phát triển và bảo vệ rừng, thay thế cho việc trực tiếp trồng rừng. Số tiền nộp được tính toán dựa trên đơn giá trồng rừng do UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, nhân với diện tích trồng rừng của dự án là 1.845ha. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn của tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, ngày 29-5-2024, Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bỏ phiếu chưa thông qua báo cáo ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét. Trong số 22 thành viên Hội đồng thẩm định, chỉ có 1/22 phiếu thông qua báo cáo không cần chỉnh sửa, bổ sung; 11/22 phiếu thông qua báo cáo nhưng yêu cầu cần phải chỉnh sửa, bổ sung; và 10/22 phiếu không thông qua báo cáo.
Kết quả cuối cùng: Chưa thông qua báo cáo ĐTM về dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận đang phối hợp để hoàn thiện hồ sơ báo cáo ĐTM lẫn báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để trình thẩm định lại ngay trong tháng 7-2024.
Bao giờ triển khai xây dựng?
Theo Nghị quyết 101 của Quốc hội, thời gian thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét là từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình triển khai thực hiện, tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo dự kiến tổ chức triển khai thi công dự án này bắt đầu ngày 11-1-2025, kết thúc 24-11-2027.
Bình luận (0)