Năm 2014 là năm đầu tiên toàn ngành GD-ĐT TP HCM triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong đó xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá; vì vậy hàng loạt những điều chỉnh trong thi cử, kiểm tra đánh giá đã được triển khai.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thực hiện các hướng dẫn chuyên môn của Bộ GD-ĐT về công tác đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trong việc dạy và học; nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và đặc biệt là bản chất việc đổi mới phương pháp và kiểm tra, đánh giá trong việc dạy và học.
Hàng năm, ngay đầu năm học, sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các bậc học với mục tiêu chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP tập trung thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục.
Định hướng này giúp nhà trường chủ động xây dựng các hoạt động dạy và học phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là năng lực của học sinh đang học tại trường.
Ngoài ra việc tự chủ trong việc lập kế hoạch nhà trường cũng giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng cho biết, cùng với việc đối với đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực thì việc đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá là điều quan trọng cần thực hiện để có thể đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, TP HCM đã thực hiện việc đảm bảo tốt các nguyên tắc đổi mới kiểm tra, như: Nội dung phải đảm bảo đơn vị kiến thức (chuẩn kiến thức). Đảm bảo mục tiêu dạy học; bám sát kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ ở mức độ đã được qui định trong chương trình môn học. Đảm bảo tính vừa sức và phân hóa học sinh (HS trung bình phải làm được điểm trung bình trở lên). Góp phần đánh giá khách quan trình độ học sinh. Chú trọng đánh giá toàn diện về các mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, kết quả vận dụng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh...
Đồng thời, GV cũng phải xây dựng ma trận đề kiểm tra trước khi xây dựng hệ thống câu hỏi và đảm bảo tính đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá như đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp: Thông qua bài kiểm tra, hồ sơ học tập, thông qua quan sát, vấn đáp. Đánh giá thông qua việc kiểm tra nhanh cuối giờ...
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, ngành GD-ĐT đã vấp phải các ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội, thậm chí có nhiều ý kiến phản đối gay gắt về cách chọn dữ liệu không có trong sách giáo khoa để ra đề thi nhưng đến khi triển khai Chương trình GDPT 2018 chúng ta có thể thấy định hướng này là đúng đắn. Thực tế cho thấy TP HCM đã đúng hướng trong đổi mới giáo dục. Bằng sự tiên phong đó, giáo viên đã mạnh dạn, tự tin hơn khi bắt tay vào đổi mới. Việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ngày càng được làm rõ trong mỗi tiết học, trong kiểm tra đánh giá.
Sau 10 năm triển khai áp dụng tại các trường học trên địa bàn TP HCM, ngành GD-ĐT TP đã mạnh dạn thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10, việc dạy và học cũng được đổi mới theo hướng đồng bộ, không còn bám theo lối mòn kiểm tra kiến thức, buộc học sinh ghi nhớ một cách máy móc.
Việc thực hiện đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm thu được những thông tin phản hồi 2 chiều, qua đó sẽ gợi ý cho những bước tiếp theo của quá trình dạy học. Cụ thể: GV biết được những điểm mạnh, điểm chưa đạt của học sinh về kiến thức, kĩ năng, thái độ, từ đó có sự điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp. Như vậy, việc đổi mới kiểm tra đánh giá còn tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học cho GV, nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, với học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.
Học sinh tự đánh giá được kiến thức, kĩ năng của bản thân, kiểm soát được việc học của mình, qua đó có sự thay đổi phong cách học giúp cải thiện kết quả học tập....
Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng nhìn nhận những khó khăn khi tổ chức kiểm tra, đánh giá như: Khó khăn nhất hiện nay giáo viên gặp phải là khi thực hiện việc kiểm tra đánh giá không theo điểm số thì chưa biết lưu lại các kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào cho khoa học, lấy đó làm minh chứng cho việc mà mình đã thực hiện, mặc dù biết việc đánh giá này có lợi cho học sinh và mang tính toàn diện.
Việc sử dụng nhiều hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Vì vậy với định mức 17 tiết/ tuần GV khó có thể làm tốt đồng thời cả đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Với các đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, việc trộn đề cho giống đề thi THPT quốc gia (phần dễ trước, phần khó sau) đang làm khó GV...
Bình luận (0)