Tháng 5-2023, khi chỉ còn vài tháng nữa là đủ tuổi nghỉ hưu, ông Trần Hoàng Thông (tỉnh Bình Phước) đã xin thôi việc. Thời điểm đó, ông Thông đã đóng BHXH được 41 năm 2 tháng và bảo hiểm thất nghiệp là 14 năm 4 tháng. Theo tính toán của ông Thông, ngoài trợ cấp thôi việc, ông sẽ hưởng hết số tháng trợ cấp thất nghiệp tối đa (12 tháng) rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu.
Sở dĩ ông Thông lựa chọn như vậy là vì tuy thời gian tham gia BHXH vượt mốc hưởng tối đa (35 năm đóng, tương ứng mức hưởng 75%) nhưng do mức lương đóng BHXH thấp (mức đóng cao nhất chỉ là 6.006.000 đồng/tháng) nên có khả năng lương hưu (tính bình quân mức lương đóng của cả quá trình) sẽ thấp hơn mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp (căn cứ trên mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc). Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, tính toán thấy mức lương hưu và trợ cấp thất nghiệp tương đương nhau, khoảng 3,6 triệu đồng/tháng, ông quyết định bỏ bảo hiểm thất nghiệp, làm thủ tục hưởng lương hưu.
Ông Nguyễn Tuấn Huân (huyện Bình Chánh, TP HCM) thì khác, ông làm việc cho đến khi cầm quyết định nghỉ hưu trên tay. Tuy nhiên, khi ngay khi nhận quyết định ông đã hối hận vì không tìm hiểu kỹ, bỏ qua khoản bảo hiểm thất nghiệp để hưởng lương hưu. Ông Huân đóng BHXH suốt 42 năm 2 tháng, nhận lương hưu tháng đầu tiên vào tháng 1-2024 với mức hơn 3,3 triệu đồng/ tháng. Mức lương hưu khác xa dự đoán (khoảng 4,5 triệu đồng/tháng) khiến ông Huân sốc nặng. "Nếu biết lương hưu thấp như vậy, tôi đã hưởng bảo hiểm thất nghiệp (khoảng 3,9 triệu đồng/tháng) để bớt thiệt thòi khi mà đóng bảo hiểm thất nghiệp suốt 15 năm không được hưởng đồng nào"- ông Huân chia sẻ.
Cả ông Thông và ông Huân đều cho rằng việc tính toán nhận trợ cấp thất nghiệp trước khi hưởng lương hưu không phải là hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp bởi lương hưu và trợ cấp thất nghiệp được chi trả bởi 2 quỹ độc lập, đều có sự đóng góp của người lao động. Song theo quy định, khi hưởng hưu người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi lương hưu quá thấp nên NLĐ phải tính toán để hưởng chế độ có lợi hơn.
"Nhà nước luôn khuyến khích thực hiện các chế độ chính sách có lợi hơn cho người lao động. Điều đó được thể hiện rõ ở việc khi thực hiện các chế độ trợ cấp xã hội, nếu một người thuộc nhiều đối tượng thì sẽ được hưởng mức của đối tượng có mức hưởng cao nhất. Hơn nữa, chỉ khi người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì mới được cơ quan chức năng giải quyết chế độ. Vậy thì không thể áp hành vi "trục lợi" cho người lao động"- ông Thông nói.
Đồng quan điểm, Tại buổi đối thoại giữa BHXH TP HCM và doanh nghiệp vừa qua, bà Nguyễn Thị Ái Nương, cán bộ nhân sự Chi nhánh Công ty TNHH Foren tại TP HCM, cũng đặt vấn đề tại sao khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu không được giải quyết song song 2 quyền lợi hưu trí và bảo hiểm thất nghiệp? Việc chỉ được hưởng 1 trong 2 chế độ khiến người lao động hiện nay đang phải lựa chọn, trong đó không ít người đã chọn nghỉ việc trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu 1 năm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp trọn 12 tháng, sau đó mới hưởng hưu vì cảm thấy thiệt thòi cho thời gian đóng dài nhưng không có hưởng.
Theo bà Nương, đây cũng là lý do khiến người lao động chọn rút BHXH một lần thay vì tham gia BHXH lâu dài để hưởng lương hưu. "Do vậy, chính sách cần thay đổi, thiết kế sao cho người lao động thấy được lợi ích của lương hưu, của việc tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp lâu dài, thay vì thấy việc hưởng hưu mang đến nhiều thiệt thòi, mất quyền lợi (về trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp) như hiện nay"- bà Nương nói.
Theo đề xuất của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại điểm d Khoản 1 Điều 111 thì người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu sẽ không thuộc được được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận (0)