Theo quy định tại Luật Việc làm hiện hành, người lao động (NLĐ) đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Tuy nhiên, theo đề xuất tại điều 111 dự thảo Luật Việc làm, NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc và NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu cũng sẽ không được hưởng TCTN.
Đề xuất gây sốc
Lý giải đề xuất này, trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng điều kiện hưởng TCTN hiện khá rộng rãi. Trong khi đó, Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ cũng thoáng, chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước, thậm chí một số trường hợp không cần báo trước. Việc giải quyết hưởng TCTN cho trường hợp NLĐ tự ý nghỉ việc không phù hợp với mục đích đề ra của chính sách BHTN, vốn được xây dựng nhằm hỗ trợ NLĐ bị mất việc, thực sự khó khăn về việc làm.
Đề xuất NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ không được hưởng TCTN khiến chị Lê Kim Phụng, công nhân một công ty ở quận Bình Tân, TP HCM, khá hoang mang. Theo chị Phụng, là người làm công hưởng lương và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương không ai muốn mình rơi vào cảnh thất nghiệp. Đôi khi NLĐ phải chủ động xin nghỉ việc vì nhiều lý do và không có sự lựa chọn nào khác.
Nếu lựa chọn giữa một công việc tốt, thu nhập ổn định với việc hưởng TCTN thì chị sẽ chọn vế đầu vì so với thu nhập (gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng…) khi còn đi làm, TCTN (60% lương cơ bản) thấp hơn nhiều, không đủ bảo đảm cuộc sống. Vậy nên chị Phụng mong mỏi nếu không thể tăng thì cũng đừng siết giảm quyền hưởng TCTN của NLĐ.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), cũng nói mình sốc với đề xuất này, bởi nếu được thông qua thì phần lớn NLĐ tham gia BHTN sẽ không được hưởng TCTN. Với nhiều năm làm công tác nhân sự và hiện quản lý khoảng 5.200 lao động, bà Hiền thấy rằng tình trạng chung của công ty cũng như tại các doanh nghiệp khác, đa phần lao động nghỉ việc đều xuất phát từ sự chủ động của NLĐ.
Lý do nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, không có người chăm sóc con nhỏ, sức khỏe không bảo đảm, công việc không phù hợp… Theo quy định hiện hành, NLĐ nghỉ việc đúng luật được hưởng TCTN. Đây không chỉ là khoản bù đắp thu nhập trong thời gian NLĐ nghỉ việc, chưa tìm được việc làm mới mà còn là quyền lợi chính đáng của NLĐ khi trích lương đóng góp quỹ BHTN hằng tháng. "Việc không tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, giảm quyền lợi NLĐ khi quỹ BHTN kết dư lớn sẽ khiến chính sách thiếu ổn định, làm NLĐ mất niềm tin và rời bỏ hệ thống" - bà Hiền nói.
Thiếu thuyết phục
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cũng không đồng tình với đề xuất này bởi tại điều 3 của dự thảo Luật Việc làm có giải thích người thất nghiệp là không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc; BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm hỗ trợ bảo đảm việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Như vậy, ngoài bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng thì cơ sở nào để khẳng định NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ (đúng quy định) không phải là người thất nghiệp, trừ khi các cơ quan chức năng chứng minh được NLĐ không làm việc, không tìm kiếm việc làm và không sẵn sàng làm việc. "Nếu vậy, cần phải có quy định, hướng dẫn rõ ràng những yếu tố để xác nhận những điều này" - bà Yến phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Luật - Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng đề xuất này tác động đến quyền lợi của đa số người tham gia BHTN. Nếu thông qua, có khả năng sẽ gây phản ứng tiêu cực như điều 60 Luật BHXH về hạn chế hưởng BHXH một lần trước đây.
Cá nhân bà Hồng không đồng tình với đề xuất này vì nó mâu thuẫn với các nguyên tắc của chính Luật Việc làm và quy định về các quyền của NLĐ trong BLLĐ, trong đó bao gồm quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Chẳng hạn khi công việc không như ý hay bị doanh nghiệp chèn ép, NLĐ muốn nghỉ việc tìm cơ hội mới nhưng điều kiện đi kèm là không được hưởng TCTN. Điều này ít nhiều tác động đến quyết định của NLĐ, dẫn đến quyền tự do lựa chọn việc làm không được bảo đảm. Mặt khác, theo đề xuất của dự thảo, các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước theo quy định BLLĐ sẽ là người được hưởng TCTN.
Tuy nhiên, NLĐ chấm dứt HĐLĐ do hợp đồng hết hạn không thuộc các đối tượng này cũng không phải là trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ, vậy không rõ họ được hay không được hưởng TCTN.
Cần bảo đảm đóng - hưởng
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện có tình trạng NLĐ đủ năm đóng BHXH và sắp đủ tuổi nghỉ hưu xin nghỉ việc sớm để vừa hưởng TCTN và trợ cấp thôi việc. Cơ quan thực hiện chính sách cho rằng đây là hành vi "trục lợi" thì cần làm rõ căn cứ xác định về hành vi này. Đồng thời thẳng thắn nhìn nhận NLĐ chọn cách làm này là vì họ cảm thấy thiệt thòi khi có đóng mà không có hưởng, nhất là những người tham gia quá trình dài nhưng chưa từng hưởng hay được hỗ trợ gì từ nguồn quỹ họ đóng góp.
"BHTN không phải là chế độ trợ cấp xã hội, nguồn quỹ thực hiện do doanh nghiệp và NLĐ đóng góp, không phải trích từ ngân sách. Do vậy, ngoài nguyên tắc sẻ chia, cần bảo đảm việc đóng - hưởng để có sự công bằng cho người tham gia. Theo tôi nên thiết kế khoản trợ cấp BHTN một lần đối với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa từng hưởng BHTN để khuyến khích NLĐ tham gia BHTN lâu dài" - bà Hồng đề xuất.
Bình luận (0)