Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có báo cáo giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý I/2024 và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 1.500 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 137 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong quý I/2024 lên tới 4.400 tỉ đồng, tăng đột biến so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vietnam Airlines, quý I/2024 là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Hãng đã tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất..., giúp lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh.
Tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý của công ty mẹ tăng 25,4% so với cùng kỳ (tăng hơn 4.568 tỉ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng nhờ thị trường vận tải phục hồi mạnh. Tổng công ty đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế so với giai đoạn trước dịch COVID-19, cũng như mở thêm các đường bay mới.
"Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I tăng mạnh chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh có lãi. Vietnam Airlines còn có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý I, Pacific Airlines (công ty con) phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận", báo cáo giải trình của hãng hàng không này nêu.
Kết quả kinh doanh quý I của Vietnam Airlines vừa công bố chiều tối 2-5 cũng cho biết Pacific Airlines đã đàm phán trả toàn bộ máy bay đang thuê và xử lý các khoản nợ, giúp tổng công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm.
Hãng báo lãi đột biến nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm. Trước dịch COVID-19, các đường bay thường lệ quốc tế đóng góp khoảng 65% doanh thu của Vietnam Airlines. Đơn cử, trong quý I, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đã trở lại bằng giai đoạn trước dịch khi đạt hơn 13.800 tỉ đồng, đóng góp 65% vào tổng doanh thu.
Tổng số khách của Vietnam Airlines trong quý I/2024 đạt hơn 5,74 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tỉ lệ lấp đầy chuyến bay của hãng là 86% với thị trường nội địa, 80% với thị trường quốc tế - đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Làm gì để đưa cổ phiếu khỏi diện kiểm soát?
Về lộ trình khắc phục cổ phiếu HVN khỏi diện bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025, báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Theo đề án, năm 2024-2025, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2-5, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đóng cửa ở mức 17.300 đồng, tăng khoảng 35% so với hồi đầu năm và đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 10-2022. Vốn hóa của hãng hiện nay đạt 38.300 tỉ đồng, tương đương 1,5 tỉ USD.
Bình luận (0)