Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo trong không gian 360 độ, dài 132 m, cao 20,5 m, đường kính 42 m với tổng diện tích 3.225 m2 tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật.
Bức tranh 3D Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bộ TT-TT đã phối hợp cùng UBND TP Hà Nội đưa bức tranh này từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D Mapping.
Vừa cùng nhóm bạn thưởng tranh, chị Lan Dung (24 tuổi, sinh viên Học viện Tài chính) xúc động chia sẻ bức tranh như vừa đưa chị trở lại thời kỳ lịch sử cách đây 70 năm, với niềm tự hào về tinh thần chiến đấu bất khuất bảo vệ nền độc lập dân tộc của ông cha.
Trong khi đó, anh Lê Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết vừa đưa 2 bạn nhỏ của gia đình đi xem tranh để hiểu hơn về lịch sử dân tộc. "Về nhà, các con liên tục nhắc tới và đòi xem lại những thước phim tư liệu, đọc sách về câu chuyện lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là điều kiện vun đắp niềm say mê học lịch sử cho các cháu"- anh nói.
Chương trình trình chiếu 3D mapping bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia thành 4 trường đoạn, gồm: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử; Khúc khải hoàn mừng chiến thắng. Bức tranh được trình chiếu từ 18 giờ 30 phút mỗi tối từ ngày 3-5 đến 7-5.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT-TT, không phải tất cả mọi người đều có thể đến Điện Biên xem được.
Do vậy, Bộ TT-TT đã quyết định đưa bức tranh từ Điện Biên về Hà Nội để thêm nhiều người được trải nghiệm, từ đó lan tỏa lòng yêu nước, yêu lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ.
"Trình chiếu bức tranh 3D "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Hà Nội là phương thức truyền thông mới áp dụng công nghệ số với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc và âm thanh sống động" - ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Bình luận (0)