Ngày 10-12, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
"Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Năm 2023, tỉ suất sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ"- Thứ trưởng Thuấn nói.
Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, đứng thứ 15 trên thế giới. Song tỉ lệ gia tăng dân số liên tục giảm từ năm 1999 là 1,7% xuống còn 1,14% năm 2019 và 0,85% vào năm 2023.
Dân số trung bình năm 2023 Việt Nam ước tính 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người so năm trước. Trong 10 năm 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng một triệu người.
Tổng cục Thống kê dự báo, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0.
Tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 con số này là 112 bé trai/100 bé gái).
Mục tiêu của ngành dân số là chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia dân số, mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới. Do đó tiếp tục khuyến cáo người trẻ khám sức khỏe trước hôn nhân; duy trì mức sinh hợp lý; sinh đủ 2 con...
Ông Matt Jackson, trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp bao gồm tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững, cũng như tăng tỉ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động và đầu tư vào y tế và giáo dục.
Bình luận (0)