Ngày 4-4, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ và Trang thông tin điện tử tổng hợp Việt Nam Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới",
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Thanh Bích - Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ - cho biết muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới, chúng ta cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cách thức phát triển công nghệ, ứng dụng AI trong nông nghiệp, tư duy làm chính sách…. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, phát biểu tại hội thảo
Theo ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 14, tính tới cuối tháng 12-2024, dư nợ tín dụng cho ngành nông nghiệp của khu vực là 202.000 tỉ đồng, trong đó ngành hàng lúa gạo là 121.000 tỉ đồng, chiếm 55% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng đầu tư tín dụng cho ngành hàng lúa gạo trên địa bàn còn nhiều khó khăn thách thức, như: rủi ro do biến đổi khí hậu; 95% doanh nghiệp ở ĐBSCL là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông tin tài chính thiếu minh bạch, ảnh hưởng tới việc cho vay….
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đặt vấn đề: "Diện tích sản xuất lúa giảm nhưng sản lượng không tăng, khoảng 43 triệu tấn lúa/năm tương đương 22 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm 2024. Vậy nguồn ở đâu ra?".

Sản xuất lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ
Theo ông Nam, ngoài sản lượng lúa gạo trong nước, Việt Nam còn nhập khẩu gạo từ Campuchia với khoảng 3 triệu tấn năm 2023 và 3,8 triệu tấn năm 2024 để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.
Bình luận (0)