Tối 8-6, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã công diễn vở cải lương lịch sử thuần Việt tại Nhà hát Trần Hữu Trang: "Sấm vang dòng Như Nguyệt" (tác giả Yến Ngân, đạo diễn NSƯT Chí Linh).
Ngoài vai trò đạo diễn, NSƯT Chí Linh còn thể hiện xuất thần vai Lý Thường Kiệt, còn NSƯT Vân Hà diễn tinh tế, đầy cảm xúc qua vai diễn Xảo Nhi - một nhân vật hư cấu, tạo những xung đột khiến câu chuyện luôn nóng và hấp dẫn.
Đông khán giả trẻ đã đến xem và cổ vũ các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ, khi lâu rồi mới có vở diễn về sử Việt cất cao lời ca về niềm tự hào chống giặc ngoại xâm của ông cha trong lịch sử dân tộc.
Đối với câu chuyện lịch sử về Quốc công Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt, trên sân khấu cải lương đã có nhiều vở diễn, nhưng qua kịch bản này NSƯT Chí Linh đã khai thác những góc khuất phía sau những trận thắng khiến quân thù khiếp sợ.
Trong đó, bài thơ hào hùng nổi tiếng: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" đã được tô đậm nét, làm chủ đạo của vở diễn.
Điều thú vị là kịch bản đã hư cấu những chi tiết hấp dẫn xoay quanh hai vị hoàng tử Chiêu Văn và Hoàng Chân. Tác giả đã đào sâu chi tiết hoàng tử Chiêu Văn âm thầm thực hiện kế sách của Lý Thường Kiệt để lật mặt kẻ núp bóng nghĩa quân, làm nội gián cho giặc.
Nhân vật Chiêu Văn do NSƯT Võ Minh Lâm thể hiện xuất sắc, từ ca diễn cho đến vũ đạo tạo nên khí phách anh dũng của một vị hoàng tử đối diện với hiểm nguy vẫn hiên ngang để bảo vệ Tổ quốc.
Bối cảnh câu chuyện được đặc tả sinh động đó là cuộc chiến của quân Đại Việt đánh đuổi quân Tống và sau đó là đợt phản công bằng mưu trí tài ba của Lý Thường Kiệt.
Ở vở diễn này, NSƯT Chí Linh đã tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ Lâm Minh Nghiêm thể hiện vai kép độc, đó là vai Nguyên soái Quách Quỳ - kẻ hiếu chiến cuối cùng đã thất bại thảm hại trên đất Đại Việt. Lâm Minh Nghiêm là gương mặt trẻ có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, từ kép chánh cho đến kép độc, anh đã chứng tỏ nội lực, tạo thêm những bước tiến mới cho nghề.
Nghệ sĩ Hoàng Hải trong vai hoàng tử Hoàng Chân đã khắc họa một hoàng tử trung thành với đất nước, chấp nhận hy sinh để bảo vệ quê hương.
Vở diễn làm sống lại tinh thần hết sức hào hùng của dân tộc. Vở không chỉ ca ngợi tinh thần hiên ngang bảo vệ chủ quyền của dân tộc qua hình ảnh Lý Thường Kiệt mà còn khắc họa công lao của rất nhiều tướng lĩnh, trong đó có nhiều nữ nhi nhưng không thua kém nam nhi vẫn đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm chiếm bờ cõi nước ta.
Đan xen giữa những tình huống đấu trí, đánh nhau giữa quân ta và quân thù, còn là những lớp diễn trữ tình thể hiện tình yêu ngọt ngào, đầy xúc động khiến khán giả rơi nước mắt, nhất là lớp diễn giữa NSƯT Tú Sương (vai Việt Trúc) và NSƯT Võ Minh Lâm.
Âm nhạc của vở sử dụng những bài bản đờn ca tài tử, những điệu lý phương nam hết sức nồng nàn, da diết. Lời ca cũng không quá cầu kỳ, mang tính tuyên truyền, mà lồng vào đó sự chân thật, giản dị.
Ở một vài lớp diễn là sự biến tấu, viết lời mới cho bài hát đã đi vào dân gian: "Bèo dạt mây trôi" và những điệu khúc miền Trung từ Nhã nhạc cung đình, đã làm cho vở diễn mang một hương vị mới.
Trang phục được đầu tư công phu, đậm chất thuần Việt. Vũ đạo, những bài múa và võ thuật được tiết chế phù hợp, không bị quá đà kiểu "lấy số đông áp đảo" như một số vở tuồng cổ lâu nay vấp phải.
Dàn diễn viên thăng hoa trong ca diễn, có đất để sáng tạo qua từng nhân vật là điểm son mà vợ chồng NSƯT Chí Linh, Vân Hà đã đạt được qua vở diễn này.
Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ: Võ Minh Lâm, Tú Sương, Lâm Minh Nghiêm, Hoàng Hải, Chí Bảo, Thúy My, Thành Thuận, Sơn Minh, Chí Dũng, Thanh Hải, Hữu Tài… và nhóm võ thuật Nguyễn Lâm.
Bình luận (0)