Ngày 21-5, ông Phạm Anh Tài, người liên quan bài viết "Chuyện có thật ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Gian nan đi đòi đất... của mình!" tiếp tục phản ánh và gửi thông tin vụ việc cho phóng viên Báo Người Lao Động.
Theo ông Tài, không có căn cứ để ông N.T.Đ. cho rằng 3 thửa đất (hiện ông Tài chủ sở hữu) là của ông Đ. Trước đó, việc nợ nần giữa ông Đ. và ông Nguyễn Công Bình (mất năm 2019) đã được giải quyết bằng việc cấn trừ các căn hộ tại cao ốc Sơn Thịnh (số 2 Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu).
Dẫn chứng việc này, ông Tài cho biết năm 2012, ông Bình vay ông Đ. 6,8 tỉ đồng, sau đó đã được cấn trừ bằng các căn hộ 6A, 6D, 6E, 6G, 6H - thể hiện qua biên bản xác nhận công nợ giữa 2 người, cũng như bảng thống kê chi tiết các hợp đồng mua bán nhà ở.
"Dù biết rõ việc vay nợ này không liên quan gì đến khu đất tôi đang sở hữu nhưng tôi vẫn tra cứu các tài liệu nhằm cung cấp thêm thông tin để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vụ việc" - ông Tài cho hay.
Liên quan việc này, tháng 11-2022, Công an TP Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh (do ông Bình làm chủ) cung cấp chứng cứ liên quan các căn hộ 6A, 6D, 6E, 6G, 6H… và tài liệu liên quan việc ông vay tiền ông Đ., cũng như việc ông đã thanh toán tiền vay (nếu có).
Theo ông Tài, cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ chứng cứ liên quan việc vay nợ giữa ông Bình và ông Đ., khẳng định việc này đã được giải quyết trước khi ông Bình mất, cũng không hề liên quan việc chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Tài và chủ sở hữu trước là ông Sơn và bà Lê.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng Văn Phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM) - cho rằng về nguyên tắc, nhà nước bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản nếu bị người khác chiếm hữu. Quyền này bị xâm hại thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Vào tháng 5-2022, kết luận định giá tài sản xác định thiệt hại các loại cây trên 3 thửa đất của ông Tài là hơn 27 triệu đồng. Tháng 8-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại tài sản".
Như vậy, hành vi hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật đã được xác định. Trên cơ sở quy định của pháp luật, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ ban hành hướng xử lý trách nhiệm tùy thuộc vào các yếu tố liên quan như khách quan, chủ quan của hành vi…
Theo luật sư, đến tháng 12-2022, Công an TP Vũng Tàu phát hành thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án thì phải thực hiện đúng quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, được quy định như sau:
Trong quá trình điều tra cũng như khi đã hết thời hạn điều tra, nếu có những căn cứ sau đây thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra:
Khi hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu. Đây là trường hợp cơ quan điều tra đã xin gia hạn và sử dụng hết thời hạn điều tra vụ án mà vẫn không xác định được ai là bị can thì phải quyết định tạm đình chỉ điều tra. Còn trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo. Trường hợp này cơ quan điều tra có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra.
Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Trong vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Liên quan vụ việc, trao đổi với phóng viên, đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sẽ yêu cầu Công an TP Vũng Tàu tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Khoản 2 Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Căn cứ Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù 1-5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm.
Qua sự việc trên, việc xem xét có xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Trong trường hợp này, gia đình ông Tài trình báo với cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.
Bình luận (0)