Nhờ các chính sách được duy trì qua nhiều thập kỷ, thành phố của Thụy Sĩ này tự hào sở hữu một trong những hệ thống mái nhà xanh nhất châu Âu - trung bình hơn 5 m2/người vào năm 2019, tương đương kích thước một ban công lớn.
Điều khiến Basel nổi bật hơn so với nhiều thành phố tiên phong khác trong lĩnh vực mái nhà xanh, theo các chuyên gia trong ngành, là họ kiên quyết sử dụng hạt giống và cây trồng bản địa. "Những mái nhà xanh ở Basel có rất nhiều loài hoa dại tuyệt vời, giống như đồng cỏ đậm chất thiên nhiên chứ không phải bãi cỏ xanh đơn điệu. Có thể bạn không thích kiểu vườn như vậy trên mái nhà nhưng chính nó mới thúc đẩy đa dạng sinh học" - ông Dusty Gedge, Chủ tịch Liên đoàn Mái nhà và Tường xanh châu Âu, nhận xét khi đến thăm Basel năm 2000.
Basel bắt đầu hành trình xanh hóa mái nhà từ đầu những năm 1990. Dù các thành phố như Linz - Áo hay Stuttgart - Đức đã xuất phát trước vào những năm 1980 và hiện có độ phủ mái nhà xanh ấn tượng, song Basel nhanh chóng nâng tầm chương trình của mình bằng cách bắt buộc tất cả tòa nhà xây mới hoặc cải tạo có độ dốc dưới 10 độ phải áp dụng mái nhà xanh.
Là người phát triển các hướng dẫn về thiết kế mái nhà xanh cho Basel suốt 30 năm qua, ông Stephan Brenneisen, chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu sinh thái đô thị tại Trường ĐH Khoa học Ứng dụng Zürich, cho báo The Guardian hay thành phố không ngừng tinh chỉnh tiêu chuẩn về độ dày của lớp đất và các loại hạt giống sử dụng. Do tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chính quyền Basel đã tăng độ dày tối thiểu của lớp đất nền trên mái nhà từ 12 lên 15 cm.

Phần mái đầy hoa của bệnh viện Cantonal ở TP Basel - Thụy Sĩ. Ảnh: GREENROOFS
Mái nhà xanh được ca ngợi là "công cụ giá rẻ" mà những thành phố thiếu không gian có thể tận dụng để tạo ra các ốc đảo tự nhiên trong đô thị. Tương tự công viên, mái nhà xanh làm mát không khí trong các đợt nắng nóng và giữ nước khi có mưa bão. Chúng cũng giúp cách âm, giảm ô nhiễm không khí và tạo môi trường sống cho động vật hoang dã. "Mái nhà xanh là một trong số ít giải pháp có thể làm tốt nhiều chức năng cùng lúc, trong khi tấm pin mặt trời hay máy điều hòa không khí chỉ đem lại lợi ích duy nhất" - ông Gedge so sánh.
Tuy nhiên, nếu không có chính sách hỗ trợ, chi phí xây dựng và bảo trì thì mái nhà xanh có thể gặp trở ngại lớn. Tùy thuộc vào kích thước, vườn trên mái cũng đòi hỏi gia cố bê-tông và thép khi xây dựng, làm tăng lượng khí thải carbon của tòa nhà. Vì vậy, bà Susanne Hablützel, nhà sinh học phụ trách các dự án thiên nhiên ở Basel, đúc kết: "Công thức thành công của mái nhà xanh chính là kết hợp quy định pháp lý, các khoản hỗ trợ cùng sự hợp tác giữa chính quyền và các nhà khoa học".
Xung đột lợi ích lớn nhất mà mái nhà xanh gặp phải hiện nay là ngày càng nhiều người chọn lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà. "Pin quang điện có thể tự hoàn vốn, vì vậy nó mang lại lợi nhuận" - bà Rebecca Landwehr thuộc Hiệp hội Mái nhà xanh Đức giải thích.
Theo The Guardian, một số thành phố đang cố gắng giải quyết sự cạnh tranh này bằng cách kết hợp mái nhà xanh với pin mặt trời nâng cao. Tấm pin tạo bóng râm và bảo vệ cây cối khỏi gió mạnh trong khi lớp thực vật giúp làm mát tấm pin, từ đó tăng hiệu suất của chúng. Hamburg - Đức sẽ bắt buộc triển khai "mái nhà xanh năng lượng mặt trời" đối với các tòa nhà mới và công trình cải tạo từ năm 2027.
Bình luận (0)