Bảo tàng Hermitage rất đông, nhiều trẻ em, người già và người khuyết tật. Ở châu Âu, đi bảo tàng là một hoạt động văn hóa phổ biến được bố mẹ và nhà trường dạy từ bé. Chả trách thẩm mỹ của họ cao đến thế, khả năng thưởng thức và sáng tạo lớn đến như thế. Hermitage thì quá lớn, đi mãi, ngắm mãi không hết, đi cả ngày rồi chưa xong, nên thể nào cũng phải quay lại, bồi đắp thêm cho nỗi đam mê nghệ thuật và lịch sử của mình.
Bảo tàng Hermitage
Lần nào đó, hứa với bản thân sẽ đưa gia đình tới đây. Nước Nga, hay xa hơn là Pháp, có điểm chung là rất đam mê nghệ thuật, một phần vì ý thức yêu thích nghệ thuật từ bé mà người Nga, người Pháp đã theo đuổi và biến quốc gia của họ trở thành cường quốc về nghệ thuật.
Đáng chú ý là có rất nhiều khách Trung Quốc cũng tới đây. Hướng dẫn viên ở bảo tàng đã bật cả loa có sẵn tiếng Hoa. Người Hoa khiến nhiều người Nga yêu thích vì tinh thần đi ra thế giới và luôn chọn những địa điểm để thưởng thức cái đẹp khi đến Moscow. Rõ ràng, không phải tiền là thứ có giá trị lớn nhất. Cái đẹp và khả năng cảm thụ cái đẹp sẽ làm cho tâm hồn ta đẹp hơn. Đó mới là sự vô giá.
Chỉ còn ít giờ nữa, trái bóng Telstar của trận chung kết World Cup 2018 sẽ chính thức lăn trên sân Luzhniki. Lần đầu tiên sau 12 năm, Pháp vào chung kết World Cup. Trước đó, ở World Cup 1998, đội tuyển đa sắc tộc black-blanc-beur của họ đã chiến thắng nhờ những người con thế hệ thứ 2, thứ 3 của người nhập cư. Tôi vẫn nhớ hai bàn thắng của hậu vệ L.Thuram ở bán kết đã hạ Croatia, để rồi khi vào đến chung kết, Zidane - con của một gia đình nhập cư gốc Algeria - ghi 2 trong 3 bàn thắng, đưa Pháp lên đỉnh thế giới.
Năm 2018, bàn thắng từ một cú đánh đầu của Umtiti, cũng là một hậu vệ, đã mở cánh cửa đưa Pháp đến gần hơn với chiếc cúp vàng. Tuy nhiên, với tư cách là một khán giả trung lập (chỉ yêu tuyển Ý), tôi mong cả hai sẽ cống hiến một trận đấu hay, để kết thúc một ngày thưởng lãm cái đẹp trọn vẹn.
Bình luận (0)