Đó là thời điểm năm 2012, lúc Rakitic còn khoác áo Sevilla, đối đầu CLB Rayo Vallecano. Anh sút hỏng quả phạt đền quan trọng, bóng chệch cột dọc gần cả mét khiến Sevilla vuột chiến thắng. Ngay sau trận đấu, điện thoại của tiền vệ người Croatia vang lên tiếng bíp báo tin nhắn. Người gửi là Puri, mẹ vợ người Tây Ban Nha của anh. Bà châm chọc: "Chó của con đá 11 m còn hay hơn".
Sáu năm sau đó, vào buổi sáng trước trận Croatia - Đan Mạch ở vòng 1/8 World Cup 2018, cô vợ Raquel của Rakitic dự báo là trận đấu sẽ đi đến loạt sút luân lưu 11 m và anh sẽ là người sút quả thứ 5. Thế là anh bỏ vài giờ sau đó nghiên cứu thủ môn Đan Mạch Kasper Schmeichel và nói chuyện thêm với A.Kramaric, từng chơi bóng với Schmeichel tại CLB Leicester. Tối đó, mọi chuyện diễn ra đúng như dự báo và Rakitic hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Sáu ngày sau, cách sân bóng đó 1.444 km, lại đá luân lưu 11 m, đối thủ là đội chủ nhà Nga và Rakitic, không một cái chớp mắt, tung cú sút quyết định đưa Croatia lần thứ hai vào bán kết World Cup. Tiền vệ 30 tuổi này trở thành người đầu tiên đá thành công quả luân lưu 11 m quyết định trong 2 trận liên tiếp tại 1 kỳ World Cup. Ở cú sút đầu tiên, anh nói với đồng đội rằng mình phải thành công bởi cần bù đắp cho Modric, người đá hỏng quả phạt đền trong hiệp phụ. Còn cú sút trận với Nga, anh bảo anh và đồng đội không muốn dừng lại.
Gia đình Rakitic như một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ. Cha anh là người Croatia nhưng cưới mẹ anh đến từ Bosnia. Cả hai ông bà sống ở Mohlin - Thụy Sĩ và sinh ra anh. Lúc anh chào đời năm 1988, Croatia chưa tách khỏi Liên bang Nam Tư. Cha mẹ anh nói tiếng Croatia ở nhà và thần tượng của Rakitic là Robert Prosinecki. Sau này anh cưới vợ người Tây Ban Nha và rành thêm ngôn ngữ thứ 6.
Rakitic đang tận hưởng một giải đấu tốt nhất trong màu áo đội tuyển Ảnh: REUTERS
Lúc chơi bóng cho đội U16 Basel, Rakitic đã ghi 48 bàn sau 17 trận ở vị trí tiền vệ trung tâm. Anh được gọi lên tuyển U21 Thụy Sĩ trước khi bị S.Bilic thuyết phục khoác áo tuyển A Croatia năm 2007. Cầu thủ cao 1,84 m kể đó là sự lựa chọn của con tim. Nó khiến cha anh vui đến phát khóc còn gia đình nhận rất nhiều thư đe dọa lấy mạng từ các CĐV quá khích của Thụy Sĩ, buộc lòng cảnh sát phải đến bảo vệ.
Khi chuyển đến Sevilla, Rakitic trở thành đội trưởng người nước ngoài đầu tiên sau thời Diego Maradona. Anh không phải là cầu thủ nhanh nhất nhưng chơi rất thông minh và các pha chạm bóng bước 1 đầy tinh tế. Kết hợp với tính kỷ luật được tôi luyện thuở nhỏ tại Thụy Sĩ, Rakitic là mẫu tiền vệ đa năng, có thể chơi tốt ở vị trí tiền vệ tấn công lẫn phòng ngự mà các đội bóng lớn ở châu Âu thèm muốn.
Trong mùa bóng cuối cùng tại Sevilla, anh ghi 15 bàn và kiến tạo 17 lần cho đồng đội lập công, giúp CLB vô địch Europa League còn anh giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết. Đó là nấc thang đưa anh đến với Barcelona và ngay mùa sau đó, anh cùng đội chủ sân Nou Camp giành cú ăn ba.
Đến với World Cup lần này, Rakitic cho biết anh cảm thấy sung mãn nhất trong sự nghiệp khi HLV Dalic đã tìm được sơ đồ chiến thuật giúp số 7 và đội trưởng L.Modric không giẫm chân nhau. Rakitic chơi lùi hơn nhưng đóng góp vẫn rất to lớn: Là người thu hồi và cung cấp bóng ở trận đầu tiên thắng Nigeria; đánh chặn và ghi bàn ở chiến thắng đậm trước Argentina (9/10 điểm); bọc lót hàng thủ ở trận gặp Đan Mạch (8 điểm). Ở trận tứ kết với Nga, Rakitic chơi dẻo dai nhất khi chạy đến 13 km và tỉ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 89%, cũng nhận được điểm 8/10.
Xóa cơn khát thành tích
Giành các danh hiệu lớn nhỏ cấp CLB cùng Barcelona và Sevilla nhưng Rakitic chưa có duyên với đội tuyển, thậm chí anh còn bị cho là tội đồ: Đá hỏng 1 quả 11 m ở loạt sút luân lưu trong trận tứ kết Euro 2008 thua Thổ Nhĩ Kỳ; đánh đầu dội cột dọc trong trận thua Tây Ban Nha và Croatia bị loại ở vòng bảng Euro 2012. Russia 2018 mở ra cơ hội tốt nhất để anh và đồng đội làm hơn thế hệ từng giành HCĐ World Cup 1998.
Bình luận (0)