xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

30 năm “săn” Xuân!

MỸ NHUNG

Vội vã đến, vội vã đi, tranh thủ hỏi han, tận dụng mọi cơ hội để “dụ dỗ”... Đó là vài nét phác họa chân dung những con người miệt mài chắt chiu Xuân ròng rã 30 năm qua để tổ chức nên những Hội Hoa Xuân độc đáo giữa lòng TPHCM

Bốn năm rong ruổi cùng đoàn vận động, chúng tôi đã quá quen với những chuyến xe vội vã ngày cuối năm của những nghệ nhân và những kỹ sư của Công ty Công viên Cây xanh - đơn vị trực tiếp thực hiện Hội Hoa Xuân (HHX) TPHCM. Khi thì xuôi về miền Tây, đến với đất mai Tân Châu (An Giang) hay thị trấn hoa Sa Đéc (Đồng Tháp); lúc thì ngược cao nguyên, ghé thăm mọi ngóc ngách của TP ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng). Cứ nghe ai mách nơi nào có cây lạ, hoa đẹp là xe lại lăn bánh, bất kể xa gần.

img
Cây vú sữa bonsai 80 năm tuổi trĩu quả của nghệ nhân Liêu Hồng Việt (TPHCM), đã có
mặt tại Công viên Tao Đàn sẵn sàng cho ngày khai mạc. Ảnh: N.HỮU


Lên núi, xuống đồng bằng


Nghe hỏi chuyện kỷ niệm đi vận động, anh Mạnh Hà (phụ trách khu trưng bày xương rồng) vui miệng kể: “Một lần nghe nói có nghệ nhân chơi xương rồng đẹp lắm trên Đà Lạt, tôi liền rủ cố vấn khu trưng bày đón chuyến xe 11 giờ đêm đi ngay. Lên đến Đà Lạt mới hơn 5 giờ sáng, tìm đến nhà thì nghệ nhân ngủ chưa dậy, lại không có quán nước giải khát nào gần đó để trú chân, cả hai đành chịu lạnh đứng chờ trước cửa nhà mà răng đánh bò cạp từng chặp”.


Đi vận động “sướng” nhất là gặp nghệ nhân nhiệt tình, giống như cố lão nông Bùi Văn Lời (Mười Lời) ở Đà Lạt. Lúc sinh thời, có cây nào “độc” là chủ nhân thung lũng Hoa Đào sốt sắng đem xuống HHX. Du khách hẳn còn nhớ những hiện vật mang đậm dấu ấn của ông lão tài hoa này như cây “cá nóc”, hoa lồng đèn Hội An, cây sim rừng 100 tuổi...


“Chịu chơi” không kém là giới chơi mai ở Tân Châu (An Giang). Để chuẩn bị tham gia HHX hằng năm, các nghệ nhân xứ này thường phải “xem giò xem cẳng” và chuẩn bị “hàng độc” từ cả năm trước.
 
Nghe tin mai Sài Gòn khốn đốn vì thời tiết thất thường,  nghệ nhân Lê Hiền Đức sẵn sàng “tiếp sức” bằng cách chở mai nhà lên trưng bày ở Công viên Tao Đàn (nơi tổ chức HHX).

Chỉ cho chúng tôi xem một gốc mai khổng lồ để giữa sân, nghệ nhân từng đoạt giải đặc biệt Mai vàng HHX 2006, trần tình: “Tiếc là năm nay tôi không có cây nào được nhưng năm sau nhất định tôi sẽ đem “khẩu đại bác” này đi so tài”.


Nhưng không phải lúc nào vận động cũng suôn sẻ như thế. Nhiều nghệ nhân không chịu tham gia vì rất “cưng” cây. Với họ, tiền của bỏ ra để “đem cây đi đánh xứ người” không tiếc bằng khi đem về, cây bị suy. Một lý do từ chối phổ biến khác là do HHX diễn ra đúng vào dịp Tết – mùa làm ăn của nhà vườn.

img
Nghệ nhân người Nhật Bản đang “gầy dựng” khu vườn Nhật. Đây cũng là
tiểu cảnh mới trong Hội Hoa Xuân năm nay. Ảnh: A.NGUYỆT


Chơi hoa cũng cười ra nước mắt


Với chủ đề “Việt Nam hoa”, Hội Hoa Xuân Canh Dần 2010 chính thức khai mạc vào tối nay, 8-2 (tức 25 Tết) tại Công viên Tao Đàn. Thu hút gần 1.000 nghệ nhân tham gia dự thi và trưng bày khoảng 8.000 hiện vật, Hội Hoa Xuân lần thứ 30 này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Những ngày 22, 23, 24 tháng chạp được gọi là “đêm trắng” tại Công viên Tao Đàn, do các kỹ sư và công nhân phải túc trực từ 21 giờ đến 3-4 giờ sáng hôm sau để chờ nhận hiện vật từ khắp nơi đổ về.

“Những ngày này, đèn sáng suốt đêm, xe ra vào tấp nập, người người í ới khuân vác hiện vật, chộn rộn không khác gì ban ngày”- anh Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh, kể.


Nếu nghệ nhân không có điều kiện, công ty sẽ đảm trách luôn phần vận chuyển hiện vật đến Tao Đàn. Anh Minh Mẫn, phụ trách khu trưng bày kiểng có trái, kể lại: “Hằng năm, khoảng 21 tháng chạp, tôi lại theo xe tải lên Đà Lạt nhận hiện vật. Có lần, xong việc thì đã trễ, chúng tôi quyết định tìm chỗ ngủ qua đêm. Nhưng khi thấy xe tải lớn chở hiện vật chạy vô sân, khách sạn nào cũng từ chối dù chúng tôi chấp nhận trả tiền cao hơn. Bí quá, chúng tôi lủi đại xe vào vườn hoa trung tâm TP Đà Lạt ngủ luôn”.


Cực là thế nhưng đi vận động nghệ nhân cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Cùng “nghề cây cỏ” nên câu chuyện giữa nghệ nhân và người vận động rất rôm rả.

Chúng tôi nhớ hoài anh nông dân Nguyễn Văn Xuân ở Sa Đéc (Đồng Tháp) trong chuyến đi cuối tháng 12-2009. Dáng người gầy gò, lối nói chuyện tưng tửng cùng tính tình vừa khẳng khái vừa ngang ngang đúng chất Nam Bộ của anh khiến người đối diện không khỏi cảm mến.

Sau khi dẫn đoàn vận động “tận mục sở thị” vườn cây của mình, anh khoát tay hào sảng: “Tôi mới nhập mấy cây mới từ Thái Lan, còn chưa kịp đặt tên. Mấy anh thấy được thì cứ đem trưng bày”.
 
Ngồi tán gẫu dưới gốc cây sứ bên hông vườn, anh kể lại câu chuyện vừa buồn cười vừa tiếc đứt ruột: “Tôi qua Thái Lan, mua được cây sứ giống mới với giá đến 7-8 triệu đồng/cây. Đem về sợ trộm khiêng mất nên tôi đặt lẫn vào mấy cây sứ thường để “ngụy trang”. Ai dè nhằm đúng hôm tôi đi vắng, có tay chơi sứ trong vùng đến, ra giá hơn một triệu. Vợ tôi thấy giá hời, bán luôn. Tôi về thì chuyện đã rồi, chỉ còn cách đến gặp người mua, xin lại một nhánh để lấy giống”.


Cũng lâm cảnh “éo le” như vậy là một nghệ nhân chơi lan ở Đà Lạt. Ông ra nước ngoài gặp được giò lan cattleya ưng ý liền bỏ ra 1.500 USD mua về. Sợ vợ cằn nhằn, ông chỉ dám “khai” giá giò lan khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Vợ ông tưởng thật nên khi có người bạn hỏi mua với giá 1,5 triệu đồng, bà bán ngay khiến ông chồng về nhà biết chuyện tức muốn... khóc!

img
Lan hồ điệp có cành dài gần 1 mét tại Hội Hoa Xuân Ảnh: N.H.ữu


Vì bị “rủ rỉ rù rì”!


Tết con Cọp này, HHX TPHCM tròn 30 tuổi, cũng là tròn 30 năm “ăn HHX, ngủ HHX” của ông Võ Văn Êm, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM. Gắn bó với HHX ngay từ năm đầu tiên: 1980, từ đó đến nay, ông chưa hề vắng mặt trong những chuyến vận động. Không ít nghệ nhân lão làng như ông Út Ánh (Nguyễn Phúc Ánh, Bình Chánh - TPHCM), Ba Thật (Nguyễn Văn Thật, Thủ Đức - TPHCM)... khi được hỏi duyên cớ nào đến với HHX đều cười nói: “Tại ông Êm rủ rỉ rù rì miết nên vậy!”.


Cũng vì “máu” kỳ hoa dị thảo mà ông bị “tổ trác” không ít. Gần nhất là lần đi Nam Cát Tiên (Đồng Nai) đợt HHX Kỷ Sửu 2009. Vừa nghe rỉ tai có vườn mai “chiến” lắm nhưng đường đi rất khó khăn, ông đón ngay xe ôm đi tìm. “Đường đi ngoằn ngoèo, bụi cuốn mù mịt lại phải hai lần băng suối nhưng vô tới nơi thì hỡi ơi vườn mai ấy... chết khô rồi”- “cao thủ” vận động của HHX vừa cười vừa kể lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo