Tỉnh Bình Thuận là nơi được thiên nhiên ưu đãi nhất với 193 km bờ biển, dọc theo đó có nhiều vịnh và bãi tắm đẹp, hoang sơ. Chỉ tính riêng 50 km bờ biển chạy dọc từ địa phận phường Mũi Né đến địa phận xã Tiến Thành (Phan Thiết) có rất nhiều bãi tắm nổi tiếng như Hòn Rơm, bãi sau Mũi Né, bãi tắm Đồi Dương, Thương Chánh... Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các resort, khách sạn, sân golf... không theo quy hoạch hiện nay đã xé nát bờ biển, còn môi trường thì ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồi Dương - bãi tắm công cộng còn lại duy nhất của TP Phan Thiết có nguy cơ biến mất do tình trạng sạt lở. Ảnh: QUANG PHÁT
Bịt kín đường ra biển
Tuyến đường ven biển thơ mộng như ở Nha Trang và Vũng Tàu, TP Phan Thiết hiện không còn. Từ TPHCM ra Phan Thiết, khách du lịch muốn ngắm biển ngay đành chịu, vì cửa ngõ đầu tiên từ lâu đã bị sân golf Phan Thiết chia cắt hơn 200 m bờ biển. Khách du lịch đành phải đi hơn 20 km xuyên trong lòng TP mới ra được biển, thay vì trước đây chỉ có 100 m.
Việc phát triển thiếu quy hoạch các khu resort, khách sạn, sân golf... đã xé nhỏ cảnh quan du lịch. Dọc theo 50 km bờ biển chính của TP Phan Thiết hiện có trên 70 resort, 2 sân golf, hàng trăm khách sạn, chiếm 80% mặt tiền bờ biển, bịt kín các lối đi ra biển.
Hiện các bãi tắm đẹp của TP Phan Thiết đang trở thành bãi tắm riêng của các resort, khách sạn.
“Người dân ở các huyện muốn về TP Phan Thiết tắm biển cũng không được bởi dọc bờ biển hiện nay toàn là resort của tư nhân được cấp phép xây dựng liền kề nhau, không còn lối cho dân sở tại ra biển nếu không đi qua nhà dân hoặc các khu resort!”- ông Lê Trí, Giám đốc Chi nhánh Bảo Việt tại huyện Hàm Thuận Bắc, phàn nàn.
Ông Lê Văn Hùng, cán bộ UBND phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, cảnh báo: “Hiện chỉ còn khoảng 100 m bờ biển làm bãi tắm công cộng tại Đồi Dương nên luôn bị quá tải và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không có phương án bảo vệ nguy cơ bãi tắm công cộng còn lại cũng sẽ... biến mất”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thừa nhận đây là một thực trạng đang diễn ra, hiện ngành du lịch Bình Thuận và UBND TP Phan Thiết đang ra sức tìm giải pháp để khắc phục.
Oằn mình gánh... rác
Không chỉ vấn đề xây dựng băm nát bờ biển Bình Thuận mà hệ sinh thái môi trường biển của Bình Thuận cũng đang bị đầu độc. Nhiều ngày ở đây, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến lượng rác hằng ngày được thải ra trên các bãi biển. Sự quá tải về rác đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận thống kê:
Mỗi ngày các bãi biển ở Phan Thiết đón khoảng 1.000 lượt khách du lịch, tính trung bình mỗi du khách đến đây xả ra biển 5 g túi ni lông thì con số rất khủng khiếp.
Không chỉ sử dụng túi ni lông bừa bãi của một bộ phận du khách đến với Bình Thuận mà còn có hơn 200.000 người dân địa phương của các làng chài thuộc các xã, phường sống lâu năm dọc theo bờ biển của Bình Thuận.
Đặc biệt quy hoạch các khu vực phát triển du lịch ở Bình Thuận nằm xen giữa dân cư như xã Phước Thể (huyện Tuy Phong), phường Mũi Né, Hàm Tiến (TP Phan Thiết), xã Tiến Thành, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), thị trấn Lagi... Do đó lượng rác, nước thải đổ ra biển không nhỏ với khoảng 100 tấn rác/ngày.
“Hơn thế nữa, hiện tại đa số các khu du lịch ở Bình Thuận khi xây dựng chưa mấy ai quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên hầu hết đều tống thẳng... ra biển”- một cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết.
Bình luận (0)