Những ngày giáp Tết, không khí tại Vườn mai Chí Công (Số 41, đường 42, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) hết sức nhộn nhịp. Khách đến tham quan đều được anh Nguyễn Văn Chí Công, chủ vườn mai nhiệt tình tư vấn và giới thiệu những chậu mai đẹp nhất để chọn mua.
Kiên trì theo đuổi
Đối diện với chúng tôi là một anh nông dân hiền lành, chất phát, có 16 năm theo nghề trồng mai kiểng qua. Năm 23 tuổi, anh Công lập gia đình. Gia đình bên vợ làm nghề trồng mai kiểng nên vợ chồng anh cũng tập tành theo nghề khi được khuyến khích.
Khởi nghiệp, anh Công trồng khoảng vài chục gốc mai kiểng, sau nhiều năm gắng bó với mai, nhận thấy công việc này tuy vất vả nhưng đem lại kinh tế cao, mặt khác được làm nghề mình yêu thích và đam mê nên anh đã mạnh dạng đầu tư vốn vào vườn mai. Đến nay số lượng mai kiểng của anh lên đến 1500 gốc. Đó là thành quả sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ của người nông dân này. Để có những gốc mai đẹp anh không ngại xa, ngại khó tìm đến các tỉnh thành lân cận như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long,…mua về trồng, ghép và chăm sóc. Anh Công bật mí: “Để tạo ra những chậu mai kiểng được ghép cành, uốn thế, cây mai ghép nhiều màu, hoặc cây mai bonsai đẹp thì đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, hiểu biết về loài cây cũng như điều kiện thổ nhưỡng”. Ý thức được điều đó, anh cố công học hỏi kỹ thuật chăm sóc, ghép cành từ những nghệ nhân có tiếng trong vùng. Cây mai tuy chịu được nắng hạn, nhưng không có nghĩa là có khả năng chịu hạn cao. Chịu khó quan sát quá trình hấp thụ nước và quang hợp của cây mai, anh Công nghĩ ra cách rút nước của từng chậu để hạn chế tình trạng ứ nước. Với một chiếc que nhỏ dùng để thông nước, anh Công có thể đảm bảo quá trình sinh trưởng của bộ rễ, giúp mai phát triển tốt. Tỉ mỉ trong từng công đoạn, bước đầu anh Công đã thành công kiểng với loại mai ghép 12 cánh, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.
Quyết tâm bám nghề
Rủi ro cao nên nhiều người trồng mai ở Thủ Đức đã phải bỏ nghề và chuyển sang nghề khác. Hiện toàn quận chỉ còn khoảng 1/3 người theo nghề này. “Trồng mai hết sức gian nan, rủi ro cao trong khi vốn đầu tư rất nặng, thị trường cạnh tranh khốc liệt. Một năm chăm sóc rất vất vả nhưng chỉ bán được vào dịp tết, nếu chăm sóc không kỹ, mai chết, coi như trắng tay”- Anh Công cho biết
Với 1.500 gốc mai kiểng thì chi phí chăm sóc hàng tháng lên đến 40 triệu đồng. Do đó, anh Công đặc biệt coi trọng việc chăm sóc mai. Theo anh Công, ngoài đam mê, người trồng mai phải nắm vững được kỹ thuật chăm sóc, từ những việc đơn giản như tưới nước, bón phân, diệt cỏ, bắt sâu, kể cả dự đoán thời tiết. Nếu biết trước nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khí trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm. Khi đó, người trồng nên lặt lá trễ. Nếu biết trước nửa tháng cuối năm sẽ có mưa to hay khí trời chuyển lạnh thì năm đó mai sẽ nở hoa trễ. Lúc này đòi hỏi người trồng phải lặt lá sớm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc nở hoa đúng Tết của mai.
Trong những ngày này, khách hàng tìm đến vườn mai của anh ngày càng đông để thuê hoặc mua về chưng trong dịp Tết. Hiện giá thuê mai khá cao. Chẳng hạn: Mai gốc nhỏ có giá từ 8 – 10 triệu đồng/gốc (thời gia thuê là 20 ngày); gốc mai lớn có giá từ 30 – 40 triệu đồng/ gốc. Còn giá bán đối với những gốc mai ở vườn anh có giá bán khoảng 150 – 170 triệu đồng/gốc. “Gắn bó nhiều năm với nghề trồng mai kiểng, chúng tôi như đã ăn ngủ cùng chúng, do vậy tôi sẽ theo đuổi đến cùng dù có nhiều khó khăn trước mắt.” – anh Chí Công chia sẻ.
Bình luận (0)