Như Báo NLĐ ngày 16 và 17-6 đã phản ánh, mặc dù nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) đang gây ô nhiễm tràn lan ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi - TPHCM nhưng lãnh đạo đơn vị này lại đang đề nghị UBND TPHCM tăng giá xử lý rác lên cao ngất ngưởng.
Không những thế, tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết khi đầu tư nhà máy xử lý rác, Vietstar đã nhận được nhiều “hỗ trợ” từ phía TP nhưng họ lại không làm tròn trách nhiệm.
Dòng nước từ đống rác trong nhà máy Vietstar đổ ra mương đào để dẫn thẳng ra
kênh 18 - kênh tiêu thoát nước chính trong khu vực. Ảnh: THU SƯƠNG
Quá nhiều ưu ái
Theo hợp đồng xử lý chất thải rắn được ký giữa Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM và Công ty Vietstar có nhiều điều khoản Sở TN-MT bị “xử ép”. Ví dụ, quy định về quyền và nghĩa vụ hai bên chỉ thấy “quyền” của Vietstar và “nghĩa vụ” của Sở TN-MT mà không có chiều ngược lại.
Ví dụ, khoản 5.2.3 ghi rõ Sở TN-MT sẽ giúp Vietstar nhận được càng nhanh càng tốt tất cả các giấy phép xây dựng liên quan đến việc xây dựng nhà máy theo quy định hiện hành, đến khoản 5.2.4 tiếp tục: Sở TN-MT bằng chi phí của mình cung cấp các dịch vụ công cộng đến chân tường rào nhà máy, bao gồm các dịch vụ viễn thông và điện, nếu khu vực kế cận đã có nước uống, khí đốt tự nhiên và dịch vụ thoát nước vệ sinh, những dịch vụ này cũng sẽ được cung cấp đến chân tường rào nhà máy...
Ngoài ra, còn nhiều khoản gây thiệt cho Sở TN-MT như trong trường hợp sở giao ít rác hơn công suất quy định (600 tấn/ngày giai đoạn 1 và 1.200 tấn/ngày giai đoạn 2) của nhà máy, sở vẫn phải thanh toán khối lượng xử lý theo công suất và chịu thêm một khoản tiền phạt mỗi ngày.
Ngược lại, trường hợp Vietstar không thể xử lý rác hoặc chỉ có thể xử lý ít hơn 80% công suất do lỗi từ phía nhà máy thì lại “không được xem là vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng”(???).
Tương tự, Vietstar cam kết hoàn tất việc xây dựng và tiếp nhận rác để xử lý không chậm hơn 12 tháng kể từ ngày được cấp các giấy phép cần thiết cho xây dựng.
Tháng 10-2007, Vietstar đã được cấp phép xây dựng nhưng đến tháng 12-2009, tức hơn 2 năm sau nhà máy này mới đi vào hoạt động nhưng tiếp nhận đúng khối lượng quy định trong hợp đồng chỉ bắt đầu từ tháng 5-2010 nhưng cũng không có một điều khoản nào xử lý việc công ty không thực hiện đúng cam kết này (?!).
Vietstar nắm... đằng cán
Trong văn bản gửi UBND TPHCM ngày 29-4-2010, Vietstar đề nghị tăng giá xử lý rác từ 5 USD/tấn lên 18,21 USD/tấn. Nếu được thông qua, ngân sách TP mỗi tháng phải chi cho xử lý rác của Vietstar vào khoảng 6 tỉ đồng, trong khi việc thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn TP hiện nay vẫn chưa được đầy đủ do các quận, huyện chưa xác định hết các chủ nguồn thải.
Theo nhiều chuyên gia, việc Vietstar đột ngột đề nghị tăng giá xử lý rác đến 360% sẽ gây “quá tải” đối với ngân sách TP đang cần chi nhiều khoản cấp bách, chưa kể sẽ làm đảo lộn thị trường xử lý chất thải hiện nay.
Trước đó, năm 2006, dù chưa đi vào hoạt động nhưng công ty này vẫn đề nghị UBND TP được tăng giá xử lý rác lên 12 USD/tấn do phải đầu tư thêm 5 triệu USD để cải tạo tình trạng đất yếu tại Củ Chi... Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận vì Vietstar chưa xây dựng nhà xưởng và chưa đi vào hoạt động.
Chưa hết, trong hợp đồng xử lý chất thải rắn ký kết với Sở TN-MT TP, Vietstar cũng đưa ra quy định: Được sở hữu và bán mọi sản phẩm sản xuất từ rác giao cho nhà máy cũng như những nguyên liệu tái chế và chịu trách nhiệm tiêu thụ mọi sản phẩm được chế biến tại nhà máy, trong đó có phân compost chất lượng cao được tiếp thị tại thị trường VN và xuất khẩu. Có thể thấy, với quy định này, Vietstar được hưởng lợi từ hai đầu: vừa không tốn tiền mua nguyên liệu sản xuất lại được trả tiền xử lý và vừa được tiền bán sản phẩm.
Theo các chuyên gia về môi trường, một trong những nguyên nhân khiến Vietstar “đòi hỏi” như vậy là vì công ty này cho rằng TP sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc đầu tư và áp dụng công nghệ xử lý rác thải an toàn và hiệu quả vì sau gần 30 năm hoạt động, nhà máy và công nghệ sẽ được chuyển giao cho TPHCM.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau 30 năm khoa học công nghệ sẽ phát triển đến mức nào và liệu công nghệ như hiện nay của Vietstar có còn hiệu quả và phù hợp với tình hình TPHCM lúc đó?
Ì ạch
Tháng 6-2005, UBND TPHCM có quyết định cho Công ty Vietstar thuê khoảng 280.000m2 đất để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn nhưng hơn một năm trời công ty này vẫn “án binh bất động”.
Khi đoàn liên ngành của TP kiểm tra về tiến độ, đại diện công ty cho rằng do đang gặp một số khó khăn nên không bảo đảm thời hạn thực hiện dự án, vả lại phần lớn diện tích được thuê nằm trong vùng lún, không thích hợp để đặt thiết bị và xây dựng nhà máy...
Song, qua kiểm tra tình hình hoạt động của Công ty Lemna International, Inc tại VN (công ty mẹ của Vietstar-PV), đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đang hoạt động theo kiểu cầm chừng, chỉ có 2-3 người. Còn Sở Thương mại TP (nay là Sở Công Thương) lúc đó cho biết tình hình tài chính của đơn vị này không có khả năng thực hiện dự án mà chủ yếu là đi tìm nguồn vốn tài trợ.
Tuy vậy, công ty này vẫn đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư chấp thuận cho thực hiện một số dự án khác ở ngoài TPHCM như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ... nhưng không được chấp thuận. |
Bình luận (0)