Theo ông Nguyễn Hữu Sào - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Đồng Nai, cơ quan điều tra đang tiến hành xem xét việc “thiết bị lạ” có ảnh hưởng gì đến hệ thống trạm cân và mức độ thiệt hại (nếu có) để làm cơ sở điều tra, xử lý.
Sau khi “thiết bị lạ” bị phát hiện và được khắc phục, hệ thống trạm cân Dầu Giây trở lại hoạt động bình thường (ảnh chụp ngày 4-3) - Ảnh: Hoàng Khương
Có tác động tới hệ thống của trạm cân
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, thiết bị trên là một bảng mạch điện tử hoàn chỉnh có gắn một số linh kiện điện tử. Thiết bị này được đấu nối vào dây vòng từ hệ thống cân động của trạm cân. Ông Trần Quang Dũng, giám đốc Công ty Trí Việt (nhà thầu lắp đặt thiết bị cho trạm cân), cho biết vòng từ là một thiết bị bắt buộc và là một phần cấu tạo của hệ thống cân động.
Xe tải dồn ứ |
Về cơ chế hoạt động của “thiết bị lạ”, ông Dũng nói sau khi phát hiện, cơ quan điều tra đã niêm phong nên ông không có nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra nhận xét chính xác. Tuy nhiên, theo ông, có khả năng thiết bị này được điều khiển vô tuyến (bằng remote).
Mổ xẻ mục đích của việc lắp đặt “thiết bị lạ”, ông Dũng cho rằng “không loại trừ có ai đó muốn phá hoại Công ty Trí Việt (hạ uy tín) hoặc phục vụ ý đồ tiêu cực”. Ông Phan Hiền, phó tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ VII (KQLĐBVII), nói: “Hiện chưa có kết quả điều tra của công an nên chưa thể nói gì. Theo tôi, việc xuất hiện “thiết bị lạ” ở đây là có mục đích, có tác dụng”. Còn ông Nguyễn Thuận Phương, tổng giám đốc KQLĐBVII, phỏng đoán “có thể ai đó muốn làm tê liệt hệ thống trạm cân”.
Trong khi đó, theo Cơ quan điều tra Công an Đồng Nai, muốn biết được cơ chế hoạt động cũng như ảnh hưởng của nó đến các thiết bị khác như thế nào, mức độ thiệt hại ra sao cần phải giám định và có sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật.
Trạm cân như một... gánh nặng
Như Tuổi Trẻ đã đề cập, trước khi vụ việc bị phát hiện, hệ thống cân động tại trạm cân Dầu Giây liên tục bị lỗi kỹ thuật và diễn ra trong thời gian dài. Các cơ quan chức năng tỏ ra bế tắc trong việc tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố. Việc phát hiện “thiết bị lạ” cho thấy có một lỗ hổng rất lớn về công tác kiểm tra, quản lý, trong đó có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thuận Phương cho biết: “Tuần nào chúng tôi cũng cử tổ công tác ra kiểm tra. Lãnh đạo KQLĐBVII cũng thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo. Việc quản lý, điều hành trạm cân có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Nếu hư hỏng thiết bị thì có bộ phận nghiệp vụ của phòng quản lý vận tải phương tiện người lái phối hợp với trạm cân, nhà thầu (Công ty Trí Việt) giải quyết. Riêng tủ đựng thiết bị cân động (nơi phát hiện “thiết bị lạ”) có trạm trưởng Nguyễn Tuấn Đạt và hai nhân viên phòng máy trung tâm Nguyễn Xuân Chiến, Dương Quốc Thái quản lý và giữ chìa khóa. Về việc tại sao kiểm tra mà không phát hiện “thiết bị lạ”, chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm ở khâu nào, người nào. Lãnh đạo KQLĐBVII chỉ kiểm tra bao quát, chỉ đạo chung chứ không thể kiểm tra chi ly từng cái một được”.
Vì sao dư luận liên tục phản ảnh về tình trạng chập chờn của thiết bị mà lãnh đạo KQLĐBVII không kiểm tra tới nơi tới chốn, ông Phan Hiền trả lời: “Thiết bị lạ” không phải có từ lâu mà chúng tôi không biết. Theo phía công an, nó mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Còn việc phát hiện và báo công an cũng do chúng tôi chủ động làm”.
Lý giải về việc hoạt động của trạm cân không như mong đợi khiến dư luận bức xúc, ông Phương tỏ ra băn khoăn: “Do đây là trạm cân hoạt động thí điểm nên từ khi hoạt động đến nay phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Việc KQLĐBVII được giao quản lý một trạm cân như thêm một gánh nặng vì trách nhiệm rất lớn”.
Bình luận (0)