Thẩm tra đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đồ án), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) nhất trí với quan điểm xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành TP xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Song song đó, ủy ban này cũng đề nghị cần bổ sung nội dung xây dựng thủ đô giàu tính dân tộc.
Các đại biểu Quốc hội bàn luận quanh sa bàn quy hoạch thủ đô vào sáng 2-6, tại sảnh lớn của Quốc hội
Chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì
Sáng 2-6, tại QH, thay mặt Chính phủ trình báo cáo về đồ án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết quy hoạch đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để trong lương lai, sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ. Theo ông Quân, trung tâm chính trị quốc gia vẫn ở khu Ba Đình gồm trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước, QH.
Đồng ý với quy mô thủ đô vào năm 2030, 2050 không thể để trung tâm hành chính như hiện nay mà cần có một trung tâm hành chính quốc gia tương xứng nhưng ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, băn khoăn: Nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về yếu tố lịch sử, văn hóa và an ninh quốc phòng. Theo ông Hiền, vì vậy, cần làm rõ cơ sở quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi trung tâm chính trị quốc gia vẫn ở khu Ba Đình. Ông Hiền cho biết cũng có đề nghị không nên tách trung tâm hành chính quốc gia ra khỏi trung tâm chính trị quốc gia. “Hơn nữa, đồ án chưa thể hiện rõ sự gắn kết giữa trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị quốc gia. Đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đã tách riêng trung tâm hành chính” - ông Hiền đề nghị.
Cần làm rõ vai trò của trục Thăng Long
Đồ án do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày cho biết sẽ xây dựng trục Thăng Long và đài Độc lập. Trong đó, trục Thăng Long được xây dựng để kết nối Ba Vì với Ba Đình-Hồ Tây. Ngoài vai trò chính là trục giao thông, trục Thăng Long còn là hành lang hạ tầng kỹ thuật chính để phát triển các đô thị vệ tinh cho Hà Nội.
Về trục Thăng Long, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với trục Thăng Long, diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) cần thu hồi để làm đường. Hiện đã có khá nhiều trục giao thông song song với trục Thăng Long, trong đó, có đường cao tốc Láng- Hòa Lạc, (Quốc lộ 32).
Về đài Độc lập, theo ý tưởng của đồ án, đây là công trình văn hóa, là biểu tượng kiến trúc mới cho nền độc lập của dân tộc, do vậy việc lựa chọn vị trí của đài cần phải phù hợp với các tiêu chí chính trị, lịch sử, văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết khái toán tổng vốn thực hiện đồ án khoảng 90 tỉ USD. Trong đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung giai đoạn đến năm 2020 cần tổng kinh phí khoảng 30,7 tỉ USD, giai đoạn năm 2030 cần thêm khoảng 28,9 tỉ USD, giai đoạn đến năm 2050 tăng thêm khoảng 29,9 tỉ USD.
Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng theo quy hoạch cần được tính toán kỹ hơn nữa trong đồ án.
Theo kế hoạch, đồ án sẽ được các đại biểu QH thảo luận tại tổ vào hôm nay (3-6) và tại hội trường vào ngày 15-6 tới.
Bỏ xin-cho trong cấp phép khoáng sản
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Nhiều đại biểu QH đã tập trung bàn thảo về vấn đề định giá tài nguyên khoáng sản, cấp phép khai thác.
Đại biểu Phạm Khôi Nguyên (Hà Nội), Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản sẽ giúp xóa bỏ cơ chế xin-cho trong cấp phép khai thác khoáng sản. Theo ông Nguyên, trong 10 năm trở lại đây, Bộ Tài nguyên-Môi trường chỉ cấp 100 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng trong 3 năm, các địa phương đã cấp hơn 3.000 giấy phép tương tự. Vì vậy, cần phải siết lại hoạt động này bằng cách xây dựng chiến lược khai thác, quy hoạch khoáng sản. Nếu quản lý tốt việc khai thác, không xuất thô để chế biến sâu, nguồn thu từ khoáng sản sẽ bằng đóng góp của ngành dầu khí trong 10 năm tới, tương đương với 18% ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, hiện nay, thu từ khoáng sản chỉ bằng 1/4 của dầu khí.
T.Hà |
Bình luận (0)