Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, việc tìm nguyên nhân phải có thời gian, phải đợi tháo ống bơm cát dưới đáy hầm.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Lương Minh Phúc – giám đốc ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM (đơn vị chủ đầu tư dự án), khẳng định: thấm nước nằm trong giới hạn cho phép, công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm được xây dựng bảo đảm chất lượng tốt, đúng với thiết kế.
Cũng vấn đề này, tại buổi lễ thông đốt hầm số 2 với đốt số 1, khi một số phóng viên phát hiện dọc theo hai thành bêtông cũng như mặt đáy và trần các đốt hầm xuất hiện những vết keo chạy dài (màu đen và xám) như vừa được trám trét lại, ông Phúc cũng giải thích: sau khi lai dắt, dìm, lắp đặt đến thời điểm này, về chất lượng của hai đốt hầm đều không có vấn đề gì đáng ngại.
Còn việc trám trét keo dọc theo tường thành, đáy, trần hầm hiện nay vẫn đang nằm trong quá trình xử lý kỹ thuật thi công và hoàn thiện...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành cầu đường, vấn đề không đơn giản như vậy!
Theo hội đồng Nghiệm thu nhà nước, quan sát bằng mắt thường đã phát hiện một số vị trí bị thấm cục bộ
tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 trong phạm vi bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm. Ảnh: Minh Linh
PGS. TS Đỗ Kiến Quốc, chủ nhiệm bộ môn sức bền – kết cấu, khoa kỹ thuật xây dựng, trường đại học Bách khoa TP.HCM:
Khó khắc phục hiện tượng thấm
Về nguyên tắc, nếu có hiện tượng xâm thực thì sẽ có hiện tượng suy giảm tuổi thọ công trình và điều này là hiển nhiên. Tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể, phân tích cụ thể xem mức độ nước thấm vào nhiều hay ít, nước đó nồng độ và hàm lượng như thế nào, phản ứng hoá học xảy ra như thế nào…
Một kết cấu bêtông cốt thép nếu được làm đảm bảo chất lượng thì sẽ không có chuyện thấm. Khi xảy ra thấm thì đó là sự biểu hiện của “bệnh”. Những kết cấu mỏng, khả năng thấm thì còn dễ nhưng với một kết cấu dày như thế mà lại thấm từ ngoài vào thì cái đó không thể gọi là bình thường được.
Trước mắt thì chưa có vấn đề về chịu lực nhưng về lâu dài thì nước thấm vô có thể làm gỉ cốt thép – bộ xương chịu lực bên trong – và ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, mà công trình của mình có yêu cầu tuổi thọ 100 năm.
Quá trình thấm trong một thời gian dài thì có thể xảy ra các hiện tượng xâm thực. Cốt thép ban đầu đường kính to, sau một thời gian gỉ sét thiết diện sẽ bị teo lại, thậm chí nếu lớp gỉ dày sẽ gây nở thể tích nên làm bung lớp bêtông bảo vệ ra… Thấm xảy ra khi độ chặt chắc của bêtông không được đảm bảo.
Thực tế, phần lớn đốt hầm đặc chắc cho nên phần lớn là không thấm. Nghĩa là việc thấm diện tích nhỏ cục bộ thôi. Có thể cấu trúc của cốt liệu bị phân tầng, phần hạt mịn đi về một phía trong khi đáng lý phải pha trộn đều với hạt thô để tạo độ chặt. Thành thử ra cốt liệu lớn dù được chèn với nhau nhưng không thể kín được nên nước len lỏi qua gây nên hiện tượng thấm.
Về kỹ thuật thi công, với những bêtông khối lớn, trong quá trình đổ bêtông xảy ra quá trình phản ứng hoá học làm bêtông đông cứng. Quá trình này phát nhiệt ra. Lúc này sẽ xảy ra các vấn đề co ngót, nứt và điều này rất trầm trọng. Ở đây, đốt hầm Thủ Thiêm thuộc bêtông khối lớn nên khả năng phát nhiệt là không loại trừ.
Với sự cố thấm ở đốt hầm Thủ Thiêm, việc sửa chữa nó trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ là khó. Bởi đốt hầm đã định vị rồi, trong môi trường đất đã vùi và nước đã ngập lên như vậy thì việc chặn từ bên ngoài là khó; trong khi cách hay nhất là phải ngăn nước từ bên ngoài để nước đừng thấm vào.
Còn nếu ngăn bên trong thì chẳng qua là che lại vết thấm thôi, điều này không còn hiệu quả nữa. Đấy là nhận định của tôi, chứ biết đâu các nhà công nghệ, các nhà kỹ thuật lại có cách xử lý? Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi tin họ làm được!
PGS.TS Vũ Xuân Hoà, giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa:
Nếu không tìm ra nguyên nhân thì khó khắc phục
Theo kinh nghiệm của tôi, với những vị trí bị thấm như báo cáo của hội đồng Nghiệm thu nhà nước thì việc hai đốt hầm dìm Thủ Thiêm bị thấm cục bộ rất có khả năng là bêtông có vết nứt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nứt: nứt do quá trình hình thành bêtông (co, ngót), nứt do lực gây ra. Theo đó, việc xác định thời điểm nứt trước hay sau khi dìm rất quan trọng để có phương án và cách thức khắc phục sự cố hiệu quả nhất.
Nếu thực sự có vết nứt thì kết cấu của hầm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu không khắc phục kịp thời thì khi đó thép sẽ bị hoen rỉ, làm tăng thể tích, khiến bêtông bị hư hỏng, giảm tuổi thọ công trình.
Ngày 5-5-2010, kéo đốt hầm số 3 về vị trí lắp đặt |
Bình luận (0)