Theo ghi nhận của phóng viên NLĐ, từ đầu hầm dẫn phía quận 1 đi vào, hầm uốn cong một chút, dãy đèn chiếu sáng gắn dọc theo góc hầm trên cao khiến cho lòng hầm bừng sáng.
Mặc dù đang tiến vào hầm vượt sông Sài Gòn nhưng mọi người vẫn không cảm nhận nhiều khác biệt, chỉ thấy hơi ngộp một chút do hầm chưa được lắp đặt hệ thống thông gió hoàn chỉnh.
Hầm dẫn Thủ Thiêm chạy bên dưới cầu Khánh Hội (quận 1, TPHCM)
Chỉ khi ý thức được mình đang “chui” vào hầm dìm ở độ sâu 23 – 27 m dưới lòng sông Sài Gòn, chúng tôi mới vỡ òa một cảm giác thật khác lạ. Hóa ra mọi người đang cười nói hân hoan với công trình thế kỷ nằm bên dưới hàng lớp lớp nước sông Sài Gòn.
Ngay cả những kỹ sư ngày ngày gắn bó với đường hầm cũng không bỏ qua cơ hội ghi lại kỷ niệm của giờ phút hợp long hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á bằng cách tranh thủ chụp hình.
Phát biểu tại lễ thông hầm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng Chương trình giao thông - đô thị TPHCM, cho biết đây là hầm vượt sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á cho đến hiện nay.
Lãnh đạo TPHCM tiến vào hầm dìm Thủ Thiêm
Chính thức hợp long hầm Thủ Thiêm
Chiều dài toàn hầm là 1.490m, gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội, 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm, 4 đốt hầm dìm và đốt hợp long dài 370m. Hầm rộng 33,3m, được thiết kế 6 làn xe, 2 lối thoát hiểm, vận tốc cho phép 60km/h.
Đoạn hầm mới hợp long của hầm Thủ Thiêm
Bắt đầu từ những năm 2000, ý tưởng xây dựng một hầm dìm vượt sông Sài Gòn đã ra đời cùng dự án Đại lộ Đông – Tây. Đến tháng 2-2005 xây dựng xong hai hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và Thủ Thiêm (quận 2).
Tháng 9-2007 đổ mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm dìm ở bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau đó gần ba năm, đầu tháng 1-2010 bắt đầu bơm nước vào bể đúc để cân chỉnh các đốt hầm.
Sáng 7-3-2010, đốt hầm đầu tiên đã được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch, vượt 22km đường sông để về đến bờ Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM). Lần lượt trong các tháng 4, 5, 6-2010, ba đốt hầm còn lại được lai dắt về vị trí đánh chìm.
4 đốt hầm được cân chỉnh ở bể đúc Nhơn Trạch đầu tháng 1-2010
Đốt hầm cuối cùng tiến về phía cầu Phú Mỹ đầu tháng 6-2010 (Ảnh: NLĐO)
Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm
Ngày 4-9, nhà thầu đã đổ mẻ bê tông hợp long cuối cùng. Tiếp đó, nhà thầu sẽ hoàn tất các công đoạn cuối gồm: lắp đặt hệ thống chiếu sáng, các thiết bị cơ điện, hệ thống chiếu sáng, cấp nước, thông gió…
Dự kiến đến tháng 3-2011 sẽ đưa vào khai thác sử dụng hầm Thủ Thiêm và đến tháng 6-2011 sẽ thông xe toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây.
Bình luận (0)