Sáng 26-8, Sở GTVT TPHCM và Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) đã tổ chức hội thảo về tàu điện một ray (monorail) trong quy hoạch giao thông đô thị.
Theo Sở GTVT, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và phương thức đầu tư nhanh chóng thì đến năm 2015 sẽ hoàn thành tuyến monorail, trong khi 2 tuyến metro đã khởi công phải đến năm 2016 mới hoàn thành.
Chống chọi với... xe máy
Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết TPHCM chỉ chiếm 8% dân số cả nước nhưng lượng xe máy chiếm đến 15% lượng xe máy cả nước.
Với số lượng này, TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT Hà Nội), gọi TPHCM là “đô thị phụ thuộc xe máy”.
Vận tốc di chuyển trong khu trung tâm hiện nay chỉ còn 13 km/giờ, kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Trong bối cảnh đó, monorail với ưu điểm là khả năng vận chuyển cao (khoảng 75 hành khách/toa) nhưng lại chiếm ít chỗ, không gây tiếng ồn, không rung lắc như đi xe buýt, thân thiện với môi trường... được xem như một giải pháp cực kỳ hữu hiệu đối với giao thông TP hiện nay.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, khẳng định đối với giao thông ở tầng treo (hai tầng kia là tầng ngầm và mặt đất), monorail là phương tiện chủ lực không thể thiếu.
Monorail là phương tiện giao thông công cộng thông dụng tại nhiều nước. Ảnh: TƯ LIÊU
Thế nhưng, monorail cũng như các loại phương tiện giao thông công cộng khác luôn phải dè chừng “đại địch thủ” xe máy.
TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích TPHCM có đặc thù là kinh tế vỉa hè - kinh tế mặt tiền, khu dân cư trong hẻm, giao thông ngẫu hứng và đi xe máy chỉ tốn khoảng 500 đồng/km nên việc sử dụng xe máy đem lại cho người dân sự tiện lợi và cơ động.
Do đó, việc người dân bỏ xe máy để sử dụng monorail là rất khó. Vì vậy, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cảnh báo tuy monorail có tiềm năng rất lớn nhưng nếu tính toán không cẩn thận sẽ phải bù lỗ dài dài như xe buýt hiện nay.
Thu hẹp kinh tế vỉa hè
Quy hoạch 2 tuyến monorail
Trong quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TPHCM sẽ có 2 tuyến monorail và 1 tuyến xe điện mặt đất. Theo đó, tuyến monorail số 2 dài 12 km, điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50, điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Tuyến này làm nhiệm vụ kết nối cho metro số 4 và số 5.
Tuyến monorail số 3 dài 8 km có lộ trình ngã sáu Gò Vấp - Công viên Phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp (quận 12). Tuyến này sẽ kết nối tuyến metro số 4 lên hướng phía Bắc TP. Hiện tại, cả hai tuyến monorail đều chưa có nhà đầu tư. |
TS Nguyễn Hữu Nguyên thẳng thắn nhận định việc xây dựng monorail trong thời điểm hiện nay có thể sẽ không thành công vì TPHCM không quy hoạch các khu chức năng rõ ràng, cao ốc phát triển theo “khu đất vàng” nên khó dự báo nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông, khi các khu chức năng hình thành, kinh tế vỉa hè bị thu hẹp thì monorail sẽ phát huy tác dụng kết nối các khu này.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng monorail chỉ hiệu quả khi đưa vào sử dụng ở khu đô thị mới, những khu tập trung đông nhà cao tầng.
“Theo tôi, ở TPHCM hiện nay có thể triển khai monorail dọc theo đường Nguyễn Văn Linh và đại lộ Đông Tây. Tôi cho rằng việc lắp đặt monorail trên dãy cây xanh gần kênh là không phù hợp mà nên chuyển vào trong để nhường đường cho người đi bộ, khi đó tuyến monorail cũng dễ dàng kết nối với các phương tiện khác” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng lưu ý không nên cho tuyến monorail đi ngang qua các khu trung tâm lịch sử văn hóa, chẳng hạn như nhà thờ Đức Bà để tránh phá vỡ cảnh quan khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tính toán lượng người đi ở mỗi trạm dừng, điều này có tính chất sống còn cho loại hình vận tải này.
Nên làm bãi xe hơi, xe máy ở ngoại vi TP để người dân ở tỉnh có thể đến đó gửi xe rồi đi monorail vào khu trung tâm.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi là vốn xây dựng dự án. Theo ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chỉ mất 8 triệu USD để đầu tư 1 km monorail, rẻ hơn nhiều so với tàu điện hai ray (khoảng 40 – 50 triệu USD/km).
TS Khuất Việt Hùng cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng, cần đi vào nghiên cứu cụ thể nhu cầu của người dân, giá thành lẫn sự hợp lý của monorail trong mạng lưới giao thông đô thị TP. Khi đó, đầu ra cho monorail sẽ không còn quá khó khăn.
Bình luận (0)