icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nóng” chuyện cũ

QUÝ HIỀN-THU HỒNG

Bên cạnh thành quả GDP tăng 11%, các đại biểu vẫn còn băn khoăn một số kết quả khác về tình hình kinh tế - xã hội, tập trung vẫn là lĩnh vực môi trường, giao thông

Sau phiên khai mạc kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18, khóa VII vào sáng 5-7, chiều cùng ngày, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận tại tổ.

 
Chưa vội bằng lòng !
 
Ghi nhận sự nỗ lực của TP để đạt GDP 11% trong 6 tháng đầu năm 2010 sau một thời gian bị ảnh hưởng cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng  ĐB Nguyễn Hữu Thọ cho rằng chúng ta không nên vội yên tâm, bằng lòng  vì hậu quả khủng hoảng kinh tế thường kéo dài 2 - 3 năm.
 
ĐB Thọ nhận định do nền tài chính của ta nhỏ so với các nước nên khả năng phục hồi nhanh, vượt qua khó khăn dễ dàng, trong khi các nước có nền tài chính lớn nên vất vả hơn và ông đưa ra dự báo: “Khả năng đến năm 2012, chúng ta mới thật sự vượt qua khủng hoảng”!.
 
 
img
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đang trao đổi tại phiên khai mạc. Ảnh: TẤN THẠNH


ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa cũng nhắc lại 6 điểm tồn tại cụ thể của tình hình kinh tế - xã hội mà UBND TP đã báo cáo và ông cho rằng “giải pháp đi kèm không phù hợp và còn chung chung”.
 
Chẳng hạn, TP báo cáo lượng ô tô và mô tô đăng ký mới tăng cao nhưng giải pháp hạn chế ra sao thì không đề cập. Như vậy, báo cáo chỉ mang tính thông tin. Hay nguyên nhân tiến độ thi công các công trình chậm là do vướng đền bù giải tỏa, giải ngân chậm và lý do này TP đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng đến nay chưa có chuyển biến nhiều.
 
Bỏ quên môi trường
 
Là người luôn “để ý” tới vấn đề môi trường, ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nói: Tôi lo lắng với 2 con số được UBND TP báo cáo: Một là 60% nước thải y tế đã được xử lý và 13/13 KCX-KCN đã xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung.
 
“Có khi nào cơ quan quản lý chuyên ngành giám sát kết quả này vì nếu doanh nghiệp xử lý nước thải của nhà máy mình nhưng không đạt chuẩn  mà vẫn đấu vào hệ thống chung thì cũng vô ích”- ĐB Nghĩa phân tích.
 
Còn ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng báo cáo như vậy nhưng sao đi thực tế nước kênh nào cũng đen thui.
 
Nếu đúng vậy, TP này đâu còn ô nhiễm, dân đâu còn than khổ và bức xúc. “UBND TP cần chỉ rõ 13 KCX-KCN nào để ĐB biết còn giải thích với cử tri. Bản thân Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP cũng nên giám sát thêm để xem có đúng hay không!”- ĐB Minh đề nghị.
 
Cùng băn khoăn về vấn nạn ô nhiễm môi trường, ĐB Võ Văn Sen chỉ rõ: “Tốc độ tăng trưởng GDP là 11% thì chỉ tiêu bảo vệ môi trường phải tương xứng, nhưng tiếc là chưa ai định lượng được chỉ tiêu bảo vệ môi trường”.
 
Theo ĐB Sen, hiện nay, việc xử lý các cơ sở, xí nghiệp gây ô nhiễm sau khi bắt quả tang là chưa hiệu quả; khi giải quyết ô nhiễm chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh, thành như “điệp khúc” kênh Ba Bò, dù TPHCM cố gắng nhiều nhưng tỉnh Bình Dương vẫn chưa di dời xong các cơ sở ô nhiễm thì nước trong kênh vẫn hôi, vẫn đục.
 
Một vấn đề nóng mà người dân quan tâm là xử lý Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, báo chí, người dân rất bức xúc nhưng xử lý chưa triệt để. Do đó, ĐB Sen yêu cầu phải xử lý nghiêm Vedan để làm gương, cần thiết phải đóng cửa, tránh nguy cơ tạo làn sóng bắt chước.
 
Giao thông bế tắc vì cao ốc
 
ĐB Nguyễn Văn Minh nêu vấn đề: Với lý do dãn dân và giảm tải phương tiện công cộng vào khu trung tâm, TP đã quy hoạch theo hướng đưa bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành. Trong khi đó, nhà cao tầng, trung tâm thương mại lại “chạy” vào khu trung tâm.
 
Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, năm đầu tiên (2008) TP triển khai chủ đề  “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, TP có sự tiến bộ. Sau đó đến năm thứ hai và bước vào năm thứ ba thì không thấy chuyển biến gì, trong khi kinh phí và sức lực đổ vào nhiều hơn. Còn ĐB Nguyễn Hữu Thọ không ngần ngại: “Dường như ngày càng tệ đi!”.
 
Theo ĐB Thọ, nhận định này không phải là của cá nhân ông mà ngay cả trong mắt bạn bè trong ngành du lịch...
Chưa kể không ít cao ốc văn phòng không có hầm để xe, đậu xe tràn lan ngoài đường, tạo nên áp lực về mật độ giao thông.
 
“Có nhiều khu đất trước khi quy hoạch thì dân sinh sống không nhiều nhưng khi thu hồi làm nhà cao 20, 30 tầng thì lượng người đổ vào đây làm việc lại tăng gấp nhiều lần. Tôi đề nghị khi làm quy hoạch, TP nên nghiên cứu một cách tổng thể để bảo đảm tính hợp lý và khoa học” -  ĐB Minh nói.
 
Còn ĐB Nguyễn Minh Hương cho rằng “trong quy hoạch khu trung tâm chưa có sự phối hợp giữa các sở, ngành, một đằng cấp phép ồ ạt các cao ốc, một đằng bắt mở đường, có mở cỡ nào cũng không theo kịp!”.
 
Cùng ý kiến, ĐB Huỳnh Công Hùng dẫn chứng: Tại quận 1, nhà cao tầng đã và đang mọc lên như nấm, trong khi nhiều tuyến đường quá nhỏ như đường Lê Thánh Tôn, giờ cao điểm lượng xe hơi từ các cao ốc đổ ra khiến giao thông ùn ứ. Với tình hình này, 5 năm nữa, đường sá sẽ ra sao, sẽ có bao nhiêu cao ốc mọc lên? Bao nhiêu mét đường mới được xây dựng? Chưa kể, TP có kiểm tra những cao ốc đó có phải cho thuê văn phòng không hay là khu nhà ở vì thực tế, khi kiểm tra đã xử lý nhiều chủ đầu tư hoạt động sai chức năng đăng ký.
 
ĐB Hùng kết luận: “Nếu không sớm giải quyết thì có 10 sở GTVT cũng bó tay với tình trạng ùn tắc giao thông”.
 
Hôm nay (6-7) là ngày họp thứ hai với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ba sở tham gia trả lời chất vấn là Quy hoạch-Kiến trúc, GTVT, Thông tin-Truyền thông. Ngoài ra, Thường trực UBND TP sẽ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề ĐB HĐND TP đặt ra.
 

Kinh tế tăng trưởng khá

 
Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài khi báo cáo và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2010.
 
Theo ông Tài, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 162.221 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
 
Con số này tương đương giai đoạn trước khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2006, 2007 và cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2009. “Cùng với tốc độ tăng trưởng khá, hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là hàng tiêu dùng, được tiêu thụ mạnh và chiếm phần lớn thị trường”- ông Tài nói.
 
Tuy nhiên, hạn chế và tồn tại được Phó Chủ tịch thẳng thắn nhìn nhận là tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao vì sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ dẫn đến cạnh tranh quyết liệt hơn cả về thị trường trong nước và xuất khẩu. Đời sống nhân dân, nhất là người thu nhập thấp, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu điện đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân.

Q.Hiền

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo