- Thiếu tướng Võ Minh Trí: Từ chương trình phối hợp giữa hai bộ Quốc phòng và Công an, năm 2012, chúng tôi đã trao đổi hơn 17.000 tin về tội phạm, giúp cơ quan chức năng kịp thời khám phá, xử lý 6.000 vụ việc; bắt, cảnh cáo, giáo dục trên 21.000 đối tượng. Ban Chỉ huy quân sự các cấp đã huy động 2,1 triệu lượt dân quân cơ động tuần tra, canh gác, bắt 15.500 đối tượng phạm pháp hình sự, thu hồi tang vật trị giá trên 39 tỉ đồng giao cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, lực lượng quân đội đã chốt giữ và tuần tra rất hiệu quả tại các KCN trên địa bàn Bình Dương và TPHCM, trấn áp mạnh tay đối với tội phạm cướp giật, bảo vệ công nhân, người dân.
- Ngoài nghiệp vụ vốn có của nhà binh, các chiến sĩ quân đội được huấn luyện, trang bị thêm những gì để phù hợp với công việc này?
- Dĩ nhiên là chúng tôi phải tổ chức huấn luyện bổ sung. Quân lực chủ yếu trang bị kỹ năng sử dụng binh khí và các loại võ thuật mang tính tiêu diệt cao. Để tham gia trấn áp tội phạm, người lính phải luyện thể lực, kỹ thuật leo trèo, chạy; kỹ thuật khống chế, bắt giữ; sử dụng các loại đạn hơi cay, đạn gây mê, đạn phát tín hiệu... Chủ yếu là khống chế, việc tiêu diệt đối tượng chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và phải có lệnh của người chỉ huy trực tiếp.
- Thưa thiếu tướng, đâu là ưu thế của lực lượng quân đội trong việc trấn áp tội phạm?
- Quân đội có nhiều lực lượng ở nhiều cấp chiến đấu. Tùy đối tượng phạm tội mà chúng tôi huy động nhân sự và vũ khí cho phù hợp. Lực lượng phổ thông chỉ chốt chặn, hỗ trợ bắt giữ. Khi cần thì đặc nhiệm trinh sát, đặc công, điệp báo đều có thể tham gia. Có rất nhiều vụ, điệp báo của chúng tôi đã cung cấp thông tin tội phạm cho lãnh đạo ngành công an lên kế hoạch đánh úp. Trong quá trình phối hợp giữa hai lực lượng, tôi thấy khi đã có sự trao đổi thông tin, hợp đồng trước, phân công ai chịu trách nhiệm khâu nào thì bao giờ cũng giải quyết nhanh gọn, hiệu quả cao; ít tổn thương và giảm khả năng bỏ lọt tội phạm. Tại TPHCM, chúng tôi có một đại đội đặc nhiệm trinh sát đóng tại An Sương. Đây là lực lượng tinh nhuệ, luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
- Thiếu tướng nhận định tình hình tội phạm lĩnh vực trật tự xã hội hiện nay như thế nào?
- Thời gian gần đây, tội phạm hoạt động với mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Quân khu 7 đóng trên địa bàn trọng điểm về tội phạm của cả nước, gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An; chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình và hành động quyết liệt.
Từ hoạt động của các casino, trường gà, mỗi ngày có hàng trăm người trong nước sang Campuchia đánh bạc, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Đây cũng là nơi tụ tập các băng đảng xã hội đen từ Việt Nam và các nước, điểm dừng chân của các loại tình báo, gián điệp và phản động chống đối. Đáng chú ý là tình hình vượt biên xâm nhập, mua bán vũ khí, ngoại tệ trái phép. Hầu hết súng mua trôi nổi từ Campuchia sang, bán khoảng hơn 2 triệu/khẩu. Cướp có vũ khí trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng thua bạc, đi cướp để có tiền chơi tiếp.
Hai loại tội phạm liều lĩnh và nguy hiểm nhất hiện nay là đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy và những người sử dụng ma túy tổng hợp. Bọn buôn bán sợ bị bắt sẽ xử nặng nên chống đối tới cùng, trong khi người xài hàng “đá” bị mất kiểm soát hành vi và nhiều lúc gây án dã man. Khi đối mặt, lực lượng quân sự sẽ sử dụng vũ khí và nghiệp vụ phù hợp để ngăn chặn, triệt hạ, tùy mức độ nguy hiểm của đối tượng.
- Người dân khi gặp cướp hoặc phát hiện bọn tội phạm có thể liên hệ với lực lượng quân đội như thế nào, thưa thiếu tướng?
- Các điểm đóng quân, từ cấp quân khu cho đến các phân đội nhỏ, đều có bộ phận tiếp dân. Mọi người có thể báo tin, tố giác tại đơn vị gần nhất hoặc cũng có thể báo cho bất cứ quân nhân nào. Trong thời gian cao điểm (lễ, Tết), chúng tôi tăng cường gấp 3 lần lực lượng chỉ huy trực chiến. Ngay đợt này, các đơn vị đã tăng gấp đôi các kíp trực.
ĐẠI TÁ NGÔ MINH CHÂU, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG AN TPHCM: Công an huy động nhiều lực lượng
Trong năm 2013, người dân các tỉnh tiếp tục đến TPHCM làm ăn sinh sống, bình quân mỗi năm có khoảng 200.000 người nhập cư TPHCM. Trong luồng nhập cư này, tội phạm cũng trà trộn để hoạt động. Ngoài những giải pháp phòng ngừa, chúng tôi sẽ tăng lực lượng công an thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tội phạm, trong đó nổi bật là lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đặc nhiệm. Ngoài 1 đội CSHS đặc nhiệm của Công an TPHCM (khoảng 30 - 40 người), tại 24 quận, huyện có 24 tổ CSHS đặc nhiệm (mỗi tổ 5 - 10 người). Song song đó, chúng tôi triển khai 34 tổ cảnh sát cơ động, CSHS và CSGT phối hợp để chốt chặn, giải quyết trên các tuyến trọng điểm, kể cả nội thành lẫn khu vực ven đô.
Công an TP cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh TP ban hành kế hoạch phối hợp, đưa lực lượng tuần tra ở cơ sở gồm 322 phường, xã, thị trấn vào cuộc phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ có 1 tổ gồm công an phường, 1 dân quân, 1 bảo vệ dân phố, 1 dân phòng do công an phường làm tổ trưởng. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ có từ 1 - 3 tổ như trên. Như vậy, cả TP sẽ có từ 600 - 800 tổ tuần tra vào ban đêm để bảo đảm trật tự xã hội. Dựa vào đặc điểm và tình hình cụ thể của từng phường, xã, thị trấn, công an phường và phường đội sẽ quyết định đi tuần tra chỗ nào, vào giờ nào.
Ánh Nguyệt ghi |
Bình luận (0)