Dự thảo đề án Quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ GTVT xây dựng đưa ra 2 phương án thu phí. Phương án 1 là thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ.
Phương án 2 là thu theo đầu xe máy đăng ký mới và theo đầu ô tô khi kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng đề xuất thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng cho phép của cầu đường, vận chuyển hàng siêu trọng...
Kiến nghị chọn phương án 2
Tính toán cho thấy nguồn vốn tạo được theo đề án có thể đạt khoảng 5.900 tỉ đồng/năm theo phương án 1, khoảng 6.200 tỉ đồng/năm theo phương án 2. Ban soạn thảo đã kiến nghị Bộ GTVT chọn phương án 2 thu phí bảo trì đường bộ.
Theo phương án này, việc phân nhóm ô tô sẽ được dựa vào Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ.
Theo đó, sẽ có 5 nhóm ô tô, gồm: Nhóm 1 - xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt; nhóm 2 - xe từ 12 đến 30 ghế, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn; nhóm 3 - xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn; nhóm 4 - xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở container 20 feet và nhóm 5 - xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet. Giai đoạn đầu, dự kiến mức thu đối với nhóm 1 là 100.000 đồng/tháng, tức chu kỳ kiểm định 1 năm là 1,2 triệu đồng.
Theo đề án do Bộ GTVT xây dựng, ô tô và xe máy sẽ đóng phí bảo trì đường bộ. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo lũy tiến, nhóm sau tăng 20% so với nhóm trước nên xe ở nhóm 5 phải đóng phí 207.000 đồng/tháng, tức 2,484 triệu đồng/năm.
Dự kiến, mức thu phí lưu hành ô tô sẽ đạt khoảng 1.407,9 tỉ đồng/năm. Theo ban soạn thảo, nguồn thu sẽ có tác động đến giá thành vận tải nhưng với mức phí dự kiến như trên, người sử dụng phương tiện, người kinh doanh vận tải hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Xe máy: Thu phí một lần
Ban soạn thảo đề án Quỹ Bảo trì đường bộ cho rằng theo phương án 2, việc thu phí lưu hành xe máy một lần khi đăng ký mới không những là một trong những nguồn thu lớn cho quỹ mà còn góp phần hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân, khuyến kích người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, ban soạn thảo đề nghị ở giai đoạn đầu, tạm thời chưa tính đến đối tượng này để tránh bức xúc trong dư luận do chưa quen với quan niệm thương mại hóa sử dụng đường bộ.
Theo số liệu của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ Công an, năm 2008, cả nước có 3.044.302 mô tô, xe máy được đăng ký. Trong đó, ước tính xe có dung tích xylanh dưới 70 cm3 chiếm khoảng 12%, xe 70 cm3 - 100 cm3 khoảng 60%, xe từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 khoảng 25% và xe có dung tích xylanh trên 175 cm3 chiếm khoảng 3%.
Dự kiến, mức thu phí lưu hành đối với xe máy các loại như trên lần lượt là 300.000 đồng, 600.000 đồng, 1 triệu đồng và 1,5 triệu đồng/xe. Như vậy, nguồn thu phí lưu hành xe máy có thể đạt khoảng 2.103,6 tỉ đồng/năm.
Phí chồng phí? Hiện cả nước có 95 trạm thu phí đường bộ, trong đó có 42 trạm do Tổng cục Đường bộ VN quản lý. Có ý kiến cho rằng khoản thu theo đầu phương tiện thực chất là thu phí sử dụng đường bộ.
|
Bình luận (0)