Theo đó, mức thưởng bình quân của lao động tại TP HCM Tết Quý Mão 2023 tương đối khả quan với gần 13 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với năm ngoái.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM Nguyễn Văn Lâm thông tin về tình hình thưởng Tết trên địa bàn; Ảnh: T.N
Cụ thể, mức thưởng bình quân của lao động ở thành phố dịp Tết Nguyên đán năm nay là 12,88 triệu đồng, trong khi năm ngoái chỉ 8,88 triệu đồng. Trong đó, mức thưởng cao nhất là hơn 756 triệu đồng tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi năm ngoái con số này là 1,3 tỉ đồng; mức thưởng thấp nhất là 4,86 triệu đồng.
Về mức thưởng Tết Dương lịch 2023, bình quân là 3,14 triệu đồng/người, thấp hơn 250.000 đồng/người so với năm ngoái. Mức thưởng cao nhất là trên 606 triệu đồng tại một doanh nghiệp FDI, tăng gần 29% so năm ngoái; mức thưởng thấp nhất là 930.000 đồng
Số liệu trên được đưa ra sau khi Sở Lao động – Thương binh và xã hội khảo sát 1.078 doanh nghiệp với gần 220.00 lao động trên địa bàn.
Theo ông Lâm, trong các doanh nghiệp báo cáo có 386 đơn vị cho biết việc kinh doanh gặp khó khăn do giảm đơn hàng, khó thu hồi công nợ, buộc phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, các công ty vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động theo quy chế, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Ngoài tiền thưởng Tết, ông Lâm cho biết các doanh nghiệp còn tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe cho người lao động. Một số doanh nghiệp còn tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Hòa An cho biết sở này đã tham mưu UBND thành phố để cấm xe giường nằm vào nội đô từ ngày 15-12 nhằm giải quyết tình trạng "xe dù, bến cóc", cũng như giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, sau khi họp và có chỉ đạo từ lãnh đạo UBND thành phố, Sở GTVT phải lấy thêm ý kiến của Sở Tư pháp nên đang rà soát để điều chỉnh.
Ông An thông tin: Sau khi UBND thành phố chấp thuận chủ trương, các đơn vị sẽ triển khai trước Tết Nguyên đán; sau đó sơ kết đánh giá để kịp thời bổ sung phù hợp với thực tế.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An cung cấp thông tin tại buổi họp báo - Ảnh: T.N
Theo kế hoạch ban đầu, Sở GTVT đề xuất cấm ôtô khách trên 30 chỗ vào nội đô thành phố từ 6 giờ đến 22 giờ.
Khu vực hạn chế xe được giới hạn bởi các tuyến: Quốc lộ 1 ở hướng Bắc và Tây; xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng Đông; đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - đường Trên cao - Nguyễn Văn Linh ở hướng Nam.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng phương án và lấy ý kiến góp ý, nhiều đơn vị cho rằng kinh tế thành phố vừa bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, việc hạn chế ôtô khách trên 30 chỗ vào nội đô lúc này là chưa khả thi, sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hành khách, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Do đó, Sở GTVT nghiên cứu phương án cấm xe giường nằm vào nội đô.
Việc cấm xe khách dự tính thực hiện theo 2 giai đoạn. Theo đó, từ nay đến 2025, cấm ôtô khách giường nằm vào nội đô 6 giờ đến 22 giờ. Sau đó sẽ cấm thêm các ôtô trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe tang, ôtô công vụ...).
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề cập một phương án khác là từ sau 2025 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.
Bình luận (0)