Tháng 4-2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo kế hoạch, cùng với Vũng Tàu, Đà Lạt, Hội An, Hạ Long…, TP HCM với tiềm năng của mình có thể tham gia vào mạng lưới trên.
Tiền đề vững chắc
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, TP HCM đang thay đổi sâu sắc mọi mặt. Trong đó, việc xây dựng "gia đình văn hóa", "khu phố văn hóa", "phường văn hóa"… góp phần hoàn thiện lối sống thị dân ở đô thị đặc biệt.
Nghị quyết số 31/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; có sự hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Văn kiện Đảng bộ thành phố lần thứ XI cũng đặt mục tiêu TP HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
TP HCM cũng đã công bố chiến lược phát triển ngành văn hóa giai đoạn 2020 - 2035. Trong đó, quan điểm phát triển ngành văn hóa trong giai đoạn này là xem văn hóa như nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đây là những tiền đề giúp cho thành phố phát triển như kỳ vọng trong lộ trình bước chân vào nhóm "Thành phố sáng tạo".
Những quan điểm về phát triển ngành văn hóa của TP HCM rất mạch lạc. Kinh tế sáng tạo góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì văn hóa cũng không đứng ngoài cuộc. Nếu kinh tế sáng tạo góp phần tạo nên đô thị thông minh thì những thành tựu văn hóa hoàn toàn có thể bổ trợ tốt.
Tuy nhiên, dù đạt nhiều thành tựu nhưng thành phố vẫn đối mặt nhiều trở ngại. Tình trạng thiếu cơ sở vật chất và tài nguyên đô thị trong việc xây dựng và phát triển không gian văn hóa; sự thiếu tương tác giữa các nền văn hóa là 2 trong nhiều thách thức.
Tiếp cận nhiều chiều
Những giải pháp mà thành phố đưa ra để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển ngành văn hóa có sự tác động qua lại với nền kinh tế sáng tạo. Bằng chứng là bên cạnh nhiều kế hoạch tăng trưởng, thành phố đưa ra những giải pháp như xây dựng hoàn thiện các chính sách xã hội, mô hình phát triển văn hóa, chính sách xã hội hóa văn hóa.
Do đó, dù xét ở khía cạnh lý luận hay thực tiễn, quá trình thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển ngành văn hóa của TP HCM giai đoạn 2020 - 2035 cần phải đặt trong mối tương quan với sự phát triển kinh tế sáng tạo.
Mở rộng không gian sáng tạo để con người thể hiện tài năng; khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là các dự án sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là những việc nên làm.
Mạng lưới thành phố sáng tạo được thành lập mang ý nghĩa thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực và yếu tố phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ các dự án trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường tiêu thụ, truyền thông quảng bá trong cộng đồng; thiết lập mạng lưới tiếp nhận ý tưởng sáng tạo của người dân.
Ghi nhận sự đóng góp của nhân dân thông qua công tác cấp chứng nhận, khen thưởng để khuyến khích tư duy sáng tạo cũng là giải pháp hay.
Ngoài ra là đầu tư cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở đào tạo ngành nghề liên quan đến sáng tạo văn hóa như Trường ĐH Văn hóa TP HCM, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Nhạc viện TP HCM, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Mỹ thuật... Vì vậy, cần chính sách tốt để những nơi này thực sự trở thành vườn ươm, đóng góp lớn vào sự phát triển.
Tạo điều kiện cho sự sáng tạo
Sự gắn kết văn hóa với giáo dục và khoa học cùng với việc khai thác và bảo tồn di sản văn hóa là những yếu tố quan trọng để xây dựng một không gian văn hóa đa dạng và phong phú.
Để phát triển thành phố sáng tạo, bên cạnh những điều trên, cần tăng cường tuyên truyền và hợp tác giữa các cơ quan và cộng đồng văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo và đóng góp của các nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học.
Bình luận (0)