TP HCM được xem là thành phố của những con kênh và dòng sông. TP HCM có 2 con sông Đồng Nai và Sài Gòn gặp nhau tại các đoạn sông Nhà Bè và Soài Rạp, với tổng chiều dài 80 km. Ngoài các sông Đồng Nai và Sài Gòn, TP HCM còn có mạng lưới kênh rạch khá dày như: Láng The, Bàu Nông, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Tẻ, Tàu Hũ, kênh Ðô, kênh Ðông, An Hạ, kênh Xáng...
"Lãng phí" tài nguyên sông nước
Có thể nói dù được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng và được coi là thế mạnh của TP HCM để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là ngành dịch vụ và du lịch nhưng hiện nay, chúng ta đang "lãng phí", chưa tận dụng triệt để tài nguyên sông nước này để phát triển mạnh mẽ hơn.
Dù có tổng chiều dài 80 km dòng sông chảy qua nhưng người dân TP HCM hay du khách chỉ có thể tản bộ và ngắm nhìn sông Sài Gòn ở một đoạn rất ngắn là bến Bạch Đằng, ngay trung tâm quận 1.
Trong khi đó, tại rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ và ấn tượng do họ tận dụng lợi thế, nét đặc trưng sông nước là những dòng kênh, con rạch chảy ngang qua. Điển hình là Thái Lan, họ tận dụng dòng sông Chao Phraya chảy ngang qua TP Bangkok để phát triển du lịch sông nước, du lịch xanh. Nhiều du khách khi đến Thái Lan đã không thể bỏ qua tour du lịch trên dòng sông hiền hòa, thơ mộng này.
Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và những dòng kênh, con rạch là nét đặc trưng của TP HCM cũng cần được phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để thu hút du khách đến tham quan, du lịch.
TP HCM nên tận dụng triệt để tiềm năng sông nước để phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Hoàng Triều
Tạo điểm nhấn "cải lương sông nước"
Song song với việc di dời, tôn tạo, phát triển hiện đại, cần giữ gìn những nét đặc trưng, cổ kính, giá trị truyền thống vốn có, mang đậm tính cách, bản sắc của Sài Gòn - TP HCM. Cần phát triển mảng xanh đô thị hơn nữa, đặc biệt là tại những dòng sông chảy qua. Cần có thêm các khu ẩm thực, khu mua sắm hiện đại và những điểm tản bộ để thuận tiện cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách...
Nhiều du khách nước ngoài khi tham quan, du lịch, ngoài việc tìm đến những địa điểm nổi tiếng, trung tâm thương mại, khu mua sắm sầm uất, hiện đại thì cũng không quên tìm hiểu, khám phá những nơi mang đậm chất truyền thống với nét văn hóa đặc trưng, có tính vùng miền độc đáo.
TP HCM nên biến nghệ thuật cải lương truyền thống cùng những làn điệu dân ca Nam Bộ, đờn ca tài tử, những bài ca vọng cổ, vở tuồng nổi tiếng trở thành nét văn hóa đặc trưng thông qua các buổi biểu diễn vào mỗi tối hoặc ít nhất là 2 tối cuối tuần trên du thuyền hoặc bến Bạch Đằng. Việc này sẽ thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức và tìm hiểu bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, tinh hoa cải lương Nam Bộ.
Ngay từ bây giờ, cần tiếp cận, kế thừa và đào tạo những nghệ sĩ cải lương trẻ; thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương sông nước để việc hoạt động đi vào quy củ, chuyên nghiệp. Đó cũng là cách tôn tạo, giữ gìn và phát triển cải lương truyền thống gắn liền với việc phát triển sông nước, tạo điểm nhấn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến TP HCM.
Đẩy mạnh tour du lịch địa phương
Đại dịch Covid-19 đã giúp nhiều người biết yêu quý những điều tuy đơn giản nhưng bình yên, đáng quý. Vì thế, tour du lịch địa phương sẽ thật sự hữu ích, dành cho những người thích nghỉ ngơi, giải trí, học hỏi, tìm hiểu và trải nghiệm ở nơi mình đang sinh sống và làm việc, học tập mà không mất quá nhiều thời gian, chi phí.
Tour du lịch này có thể đưa khách đến những quán ăn, cửa hàng, cơ sở sản xuất có nét riêng, độc đáo; những kiến trúc xây dựng đẹp; những lớp dạy nghề như làm bánh, đồ gốm, đồ thủ công mỹ nghệ... Phương tiện di chuyển cần đa dạng, có thể là đi bộ, xe đạp, xe máy, ôtô, tàu, phà.
Ngoài các tour tham quan, có thể tổ chức tour từ thiện, hoạt động thiện nguyện, như thăm các khu nhà dưỡng lão, nhà trẻ mồ côi, phát cơm cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, xây dựng công trình xanh...
Nhằm quảng bá và để khách hàng dễ tiếp cận, tìm hiểu và đặt tour, cần phải xây dựng app về tour du lịch địa phương, giao vài đại lý thực hiện tour này.
Vũ Thị Ngọc Thu
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Cuộc thi nhận bài tham dự đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)