Tọa đàm "Phát triển Công nghiệp Văn hóa ở TP HCM – Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo" diễn ra sáng 12-12 tại Hội trường của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP HCM (ĐHQG-HCM).
Tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM phối hợp cùng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM thực hiện, quy tụ nhiều đại biểu tham gia.
Tọa đàm thảo luận những vấn đề then chốt liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa tại TP HCM, nhằm đóng góp vào mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo, góp phần triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP HCM đến năm 2030 và thực hiện thành công Nghị quyết 98/2023/QH15.
GS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, cho biết: "Mục tiêu chính của tọa đàm nhằm: Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của công nghiệp văn hóa ở TP HCM; Đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp văn hóa; Đề xuất các chính sách, giải pháp, định hướng phát triển công nghiệp văn hóa ở TP HCM; Nâng cao chuỗi giá trị văn hóa trong phát triển bền vững công nghiệp văn hóa ở TP HCM;
Sáng tạo nội dung văn hóa, xây dựng không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa ở TP HCM; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/06/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM: định hướng lĩnh vực, dự án đầu tư, thuận lợi và khó khăn, giải pháp thực hiện…
Đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển công nghiệp văn hóa ở TP HCM; Phát triển công nghiệp văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Sáng tạo".
Tại tọa đàm, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, trong tham luận "Xây dựng thành phố sáng tạo hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa TP HCM", nhận định TP HCM hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm sáng tạo về điện ảnh. "Về nhân lực, TP HCM là nơi tập trung nhiều tài năng trẻ đam mê điện ảnh, bao gồm các biên kịch, đạo diễn, nhà quay phim và các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật số và hậu kỳ. Cơ sở hạ tầng cho điện ảnh tại TP HCM cũng đang ngày càng hoàn thiện. Ngoài các phim trường lớn, nhỏ và các trung tâm hậu kỳ, sẵn có các dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp điện ảnh nổi trội so với các tỉnh, thành khác trên cả nước" - NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.
Tuy nhiên, theo bà, TP HCM cần có các điểm tựa về tài nguyên văn hóa, nguồn nhân lực và chiến lược đầu tư, hướng đến phát triển điện ảnh một cách bền vững. Điện ảnh không chỉ là công cụ quảng bá văn hóa mà còn đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế, xã hội TP HCM, xây dựng thương hiệu văn hóa cho TP HCM.
Bàn đến phát triển công nghiệp văn hóa ở TP HCM nói riêng - hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo, các đại biểu đều cho rằng yếu tố đầu tiên và quan trọng là cơ chế chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu.
Luật sư Nguyễn Sơn - Giám đốc pháp chế Cinestar, nhận định các hoạt động lễ hội tại TP HCM chưa xây dựng được thương hiệu. Nếu thành phố Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa, Đà Lạt có Lễ hội hoa… thì TP HCM vẫn chưa có được thương hiệu nào. Hệ thống rạp chiếu phim phân bổ chưa đều khi đa phần tập trung ở các quận 1, quận 3, quận 7, một số quận còn lại ít cụm rạp chiếu và thậm chí có quận còn chưa có cụm rạp chiếu nào. Ông đề xuất tiếp tục khuyến khích, phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, tạo công bằng doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa…
Ông Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy, đề xuất các giải pháp là cần cơ chế, chính sách phù hợp để làm đòn bẫy phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực quan trọng, cần đào tạo gắn liền thực tiễn, quy tụ người tài, giàu kinh nghiệm tạo điều kiện cho hợp tác. Thành phố sáng tạo điện ảnh cần nhiều chính sách ưu đãi, điểm tựa phát triển công nghiệp văn hóa.
Đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh nhận định nói đến công nghiệp là nói đến quy trình sản xuất, con người sản xuất và con số cụ thể về chi phí, lợi nhuận đạt được.
"Chúng ta cần phải xây dựng thương hiệu lớn, những thương hiệu quốc gia để nhắc tên biết đến. Để khi phim Việt đến các Liên hoan phim quốc tế khi nghe tên thì các nhà làm phim khác biết và mua phim. Chúng ta chưa có thương hiệu quốc gia vững mạnh. Chúng ta cũng cần quan tâm đào tạo nhân lực, nhất là tư duy kinh doanh trong văn hóa bởi công nghiệp không phải cảm tính mà là những con số cụ thể, rõ ràng" - Đạo diễn - NSƯT Vũ Thành Vinh cho biết.
Bình luận (0)