CNVH còn góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các ngành CNVH được hiểu là lĩnh vực kinh tế văn hóa hình thành từ tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới đang không ngừng khai thác sức mạnh của văn hóa như một động lực tăng trưởng kinh tế.
Hàn Quốc, với thành công của làn sóng Hallyu, đã biến các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và nội dung số thành ngành công nghiệp tỉ đô. Pháp đã xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua điện ảnh, thời trang và nghệ thuật, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Những câu chuyện thành công đó là bài học quý giá để chúng ta nhìn nhận vai trò của CNVH trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển các ngành CNVH. Với lịch sử hàng ngàn năm, đất nước chúng ta sở hữu một kho tàng văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú, từ di sản vật thể như Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, đến di sản phi vật thể như quan họ Bắc Ninh, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ... Những giá trị văn hóa này không chỉ là biểu tượng của bản sắc dân tộc mà còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sự sáng tạo và đổi mới trong các ngành CNVH.
Bên cạnh đó, tài năng sáng tạo của người Việt cũng là một lợi thế lớn. Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà thiết kế trẻ đã không ngừng nỗ lực, tạo ra những sản phẩm độc đáo mang tính đột phá, từ đó đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, góp phần khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trong dòng chảy toàn cầu.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc để phát triển các ngành CNVH. Năm 2016, Quyết định 1755/QĐ-TTg được ban hành, xác định 12 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có: quảng cáo, điện ảnh, thời trang, kiến trúc, mỹ thuật, du lịch văn hóa và nhiều ngành khác. Chiến lược này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy sự quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Đặc biệt, năm 2024, Chỉ thị 30/CT-TTg tiếp tục nhấn mạnh vai trò của các ngành CNVH như một đột phá chiến lược, hướng tới mục tiêu đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Để đạt được tham vọng này, chúng ta cần tập trung vào một số trụ cột chiến lược.
Một là, nguồn tài nguyên văn hóa của Việt Nam cần được khai thác hiệu quả và bền vững.
Hai là, lấy công nghệ làm chìa khóa để đưa các ngành CNVH Việt Nam vươn xa. Những nền tảng như YouTube hay TikTok đã trở thành công cụ quan trọng để phân phối các sản phẩm văn hóa.
Ba là, chính sách hỗ trợ từ nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực CNVH.
Cũng không thể phủ nhận rằng việc phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhận thức về tầm quan trọng của lĩnh vực này chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương. Hạ tầng công nghệ, kỹ năng quản lý và khả năng cạnh tranh toàn cầu của các sản phẩm văn hóa còn hạn chế.
Để vượt qua những thách thức đó, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực sáng tạo chuyên nghiệp, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ.
Bình luận (0)