Trong những năm qua, ở nhiều địa phương thuộc miền Đông Nam Bộ có các chương trình hỗ trợ đối tượng khó khăn trong dịp Tết cổ truyền mang đậm truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc. Một trong những hoạt động có ý nghĩa ấy là "Mâm cơm ngày Tết" dành cho công nhân xa quê.
Tôi vinh hạnh được dự sự kiện này do chi đoàn thanh niên, các cấp chi hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ và câu lạc bộ chủ nhà trọ của một khu phố ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương tổ chức.
Để tổ chức những cuộc sum vầy đầy tình nghĩa này, các cô chú, anh chị ở khu phố đã có kế hoạch chuẩn bị rất công phu.
Bánh chưng, bánh tét là những thứ không thể thiếu trong dịp Tết. Trước Tết mươi ngày, các chị, các cô đi chợ chọn mua loại nếp thật ngon, thật dẻo và tìm cho được những bó lá dong vừa ý. Thịt heo, đậu xanh, củ hành làm nhân được chọn lựa và chuẩn bị kỹ càng.
Những thức khác như dưa cải, dưa giá, củ kiệu, đến những nồi thịt kho trứng, khổ qua hầm được các "đầu bếp" chăm chút tỉ mẩn. Các loại nước mắm, rau xanh, rau thơm, gia vị cũng phải là loại "hảo hạng". Các món ăn đều được nêm nếm sao cho dung hòa khẩu vị của anh chị em công nhân ở ba miền…
"Mâm cơm ngày Tết" dành cho công nhân xa quê không cầu kỳ, xa hoa nhưng thật sự tươm tất, mang đậm nét văn hóa Việt, thể hiện tấm lòng yêu thương của những người tổ chức các mô hình hoạt động mang ý nghĩa cao đẹp này. Một cán bộ hội phụ nữ nói rằng các chị muốn tự tay làm các món ăn với mong muốn được phục vụ công nhân như người thân trong gia đình mình.
Buổi sum họp cùng nhau dùng bữa cơm thân mật ngày Tết diễn ra thật vui vẻ, ấm cúng. Địa điểm tổ chức được phân bổ theo từng cụm dân cư, những nơi có đông công nhân ở lại ăn Tết. Không chỉ công nhân xa quê mà tất cả thân nhân của họ có mặt ở địa phương cũng được mời dự.
Chương trình "Mâm cơm ngày Tết" diễn ra trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Sau lời giới thiệu ngắn gọn, đại điện lãnh đạo địa phương chúc Tết, cảm ơn những đóng góp của công nhân cho sự phát triển của địa phương. Tiếp theo, đại diện công nhân xa quê phát biểu cảm tưởng, sau đó mọi người cùng nhau dùng bữa cơm thân mật và tham gia trò chơi bốc thăm trúng thưởng, thưởng thức chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian.
Điều hành hoạt động vui nhộn này là các đoàn viên thanh niên khu phố và thành viên chi hội thanh niên công nhân nhà trọ vừa trở về từ những cuộc thăm hỏi, giao lưu với các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
"Mâm cơm ngày Tết" còn có nhiều cán bộ, công chức, cùng đến chăm lo cho công nhân xa quê và các đối tượng chính sách. Cứ như thế, trong dịp Tết Giáp thìn 2024, mô hình giàu tình nghĩa này được nhân rộng trên khắp các địa phương trong TP Thuận An và những địa bàn phát triển công nghiệp lân cận khác.
Không khí thân mật, ấm cúng của "Mâm cơm ngày Tết" đã để lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng mọi người. Một nữ công nhân luống tuổi tâm sự: "Dù phải ăn Tết xa quê, nhưng tình cảm sâu đậm và sự quan tâm của cán bộ, nhân dân địa phương đã làm ấm lòng những người xa xứ".
Sau bữa tiệc "Mâm cơm ngày Tết", mọi người trở về chuẩn bị đón giao thừa với niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt. Hòa cùng tâm trạng chung ấy, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc dạt dào.
Giữa bao gian khó, nhọc nhằn, những bông hoa tươi thắm của lòng nhân ái vẫn nở rộ và tỏa ngát hương. Hình như càng trải qua thử thách, gian truân, những đóa hoa ấy càng bộc lộ nhiều phẩm chất cao đẹp, góp phần tô thắm cho đời.
Lòng bác ái, nhân nghĩa luôn là một trong những truyền thống quý giá nhất của nhân dân ta, góp phần tạo nên sự kết dính của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tự hào thay, như một sự minh chứng cho truyền thống cao đẹp ấy, trên dải đất miền Đông đầy hào khí này, nghĩa tình cao đẹp con người dành cho nhau đã và đang là nguồn sức mạnh để mỗi người vượt qua thử thách, vươn tới tương lai.
Bình luận (0)