"Má mong nhứt là Tết, vì có con về"
Tính đến Tết Giáp Thìn 2024, tôi đi tha hương tròn 20 năm. Mỗi năm về quê thăm má được vài lần và lần dài nhứt là Tết.
"Má mong nhứt là Tết, vì có con về". Má tôi hay nói vậy khiến đứa con trai đi xa nhà rưng rưng, cứ tranh thủ thời gian rảnh để về với má nhiều lần hơn, không chỉ là Tết.
Thương má, có lần tôi hỏi: "Hay con đón má vào TP HCM ở?". Má cười: "Ở quê còn mồ mả ông bà mà đi đâu". Má là như vậy, giống y ngoại, chọn ở quê vì nơi đó có mồ mả ông bà, có mái nhà thân thuộc. Tôi tôn trọng má nên để má chọn nơi ở, miễn má thấy vui, dù không trọn vẹn vì không có con bên cạnh.
Năm năm trước, tôi có con. Một ông bố đơn thân nuôi con. Má tôi nghe quyết định ấy đã gật đầu yểm trợ. Từ đó má thành bà nội mà cũng y như mẹ của con trai tôi.
Má giặt tã từ bàn tay run run, đút cho cháu nội từng muỗng cháo, rồi ẵm bồng, tập nói, nhìn con trai tôi từng ngày lớn lên, hiểu biết, khỏe mạnh. Cũng may, thời nay có công nghệ hỗ trợ, những cuộc gọi "video call" giúp người ta thấy mặt nhau dễ dàng nên khoảng cách địa lý cũng không còn mấy xa xôi.
Ngày nào tôi cũng gọi, má kể cho tôi nghe từng việc ở nhà rồi báo cáo tình hình cháu nội. Má hay tỉ tê cho con trai tôi về hoàn cảnh gia đình mình rằng: "Nội già rồi, không làm chi ra tiền, ba đi Sài Gòn làm việc kiếm tiền mua sữa cho con nên con nhớ thương ba nhiều hơn nghen". Cậu con trai 6 tuổi của tôi thương nội nhứt.
Và có lẽ cũng hiểu được những gì nội nói nên cậu con trai gắn kết với tôi "như chưa hề có cuộc chia ly". Tôi hay nói: "Con thiệt thòi không được ở bên con trai con mỗi ngày, thôi má động viên cháu giúp con, con sẽ ráng sắp xếp thời gian về thăm má và con nhiều hơn". Chính vì vậy, có những chuyến công tác miền Trung, tôi dành một buổi, một ngày để chạy ù về Quảng Nam, ghé nhà thăm má, ngủ với con một đêm rồi lại vào Nam.
Hạnh phúc hiện hữu ngay nơi mình
Cuộc hành trình ấy kéo dài và tôi thấy mỗi cái Tết là thời gian ý nghĩa nhất của gia đình mình. Về quê, ngắm nhìn những cái cây má trồng, từng chậu vạn thọ đơm bông thơm phức, tôi cảm nhận má đã đổ nhiều tâm sức cho vườn xuân. Nghe con trai nói chuyện lễ phép, tôi biết má đã chắt chiu từng ngày dạy dỗ, chuyện trò, sẻ chia. Những mầm xanh luôn cần được chăm sóc cẩn thận để chúng lớn lên khỏe mạnh, tươi tắn.
Tết này về, con trai đã biết phụ tôi treo những chiếc lồng đèn đỏ rực trên cây trước sân. Rồi còn biết chụp hình cho tôi nữa. "Con phụ ba", cậu con trai 6 tuổi thấy tôi loay hoay xếp lồng đèn giấy treo lên nhánh lộc vừng trước sân.
Khoảng sân rộng đầy nắng cuối năm bỗng rộn tiếng cười của ba con tôi khi vừa làm vừa chơi. Má nhìn tôi và cháu nội mỉm cười. Tôi thấy mùa xuân của mình nơi ấy, giản dị và bình yên.
Con người ta đôi khi bon chen, mong cầu nhiều thứ, đặt ra quá nhiều điều kiện để có hạnh phúc nhưng quên mất hạnh phúc hiện hữu ngay nơi mình, quanh mình, ở người thân thương mình. Sáng nay thức dậy, mũi mình vẫn còn hít thở vào - ra thật nhẹ, ngửi thấy mùi hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ… Tai mình còn nghe nhạc xuân hàng xóm mở và con cháu mình lao xao mặc áo mới, tập chúc tụng khi nhận bao lì xì. Mắt mình vẫn còn tỏ để bấm một cuộc gọi chúc Tết người thân thương ở xa không về được. Và đôi chân còn khỏe để đi lên thắp nén nhang trầm lên bàn thờ tổ tiên, khấn vái ông bà phù hộ độ trì con cháu một năm phát đạt…
Những điều kiện có sẵn ấy là phước lộc tuyệt vời mà có khi ta quên trân quý. Chỉ khi đủ trầm tỉnh, lắng lòng, trước hương xuân ngọt lành và nụ cười tươi của má tôi mới nhìn sâu sắc hơn điều đó, rồi viết ra để răn nhắc chính mình.
Cuộc sống bất định, vô thường. Mỗi mùa xuân về còn được về nhà, còn nắm được tay má và nhìn con mình - thế hệ kế thừa phát triển là có Tết.
Ở tuổi 40, tôi nhận về thông điệp "Xuân không phải ở mùa xuân ba tháng" mà ngày nào cũng là ngày xuân khi mình nhận diện bản thân có quá nhiều điều kiện hạnh phúc, và thôi tìm kiếm xa xôi…
Bình luận (0)