Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Xavier Dumusque đến từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ) tuyên bố họ đã xác định 3 hành tinh mới quay quanh một ngôi sao "không bình thường" mang tên HD 20794.
Một trong số 3 hành tinh mới đó là HD 20794d, có thể là một hành tinh đá cùng kiểu với Trái Đất và nằm ngay trong "vùng sự sống" của ngôi sao.
Theo Sci-News, HD 20794 là một ngôi sao loại G6V sáng nằm cách chúng ta 19,7 năm ánh sáng trong chòm sao Ba Giang (Eridanus).
Còn được gọi là LHS 19 hoặc e Eri, ngôi sao này chứa ít nhất 3 ngoại hành tinh khổng lồ: HD 20794b, HD 20794c và HD 20794d.
Ba hành tinh này có chu kỳ quỹ đạo là 18,3, 89,7 và 647,6 ngày, cùng với khối lượng lần lượt là 2,2, 3 và 5,8 lần khối lượng Trái Đất.
Trong đó, siêu Trái Đất HD 20794d được quan tâm nhất bởi các tính toán cho thấy nó nằm trong "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ, tức khu vực bảo đảm cho sự tồn tại của nước lỏng, giống như Trái Đất, Sao Kim và Sao Hỏa trong hệ Mặt Trời.
Có một chút khác biệt: Thay vì đi theo quỹ đạo tương đối tròn như Trái Đất hay Sao Hỏa, HD 20794d đi theo quỹ đạo hình elip, tức khoảng cách giữa hành tinh và ngôi sao sẽ thay đổi lớn trong quá trình quay.
Do đó, hành tinh này dao động giữa rìa bên trong của "vùng sự sống" và bên ngoài vùng đó trên quỹ đạo.
Điều này dẫn đến thay đổi khắc nghiệt giữa các mùa, nhưng theo các nhà khoa học lại có ích trong việc giúp sự sống phát sinh.
“Nếu có nước trên HD 20794d, nước sẽ chuyển từ trạng thái băng sang trạng thái lỏng, thuận lợi cho sự sống xuất hiện" - TS Dumusque khẳng định.
Đặc biệt hơn, điều "bất thường" về ngôi sao mẹ của hành tinh này mà các nhà khoa học nhắc đến chính là độ sáng và độ gần tốt đến bất ngờ của nó.
Cùng với việc các hành tinh xung quanh đều to lớn, việc quan sát chúng vô cùng thuận lợi so với các ngoại hành tinh khác đã biết.
"Hệ thống HD 20794 là mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho việc mô tả đặc điểm khí quyển trong tương lai bằng các phương tiện chụp ảnh trực tiếp" - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
Bình luận (0)