Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 lao động, đạt gần 37% kế hoạch năm 2025. Đây là kết quả ấn tượng, phản ánh những nỗ lực của Bộ Nội vụ trong đẩy mạnh hợp tác về lao động, việc làm với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phí ngày càng thấp
Số lượng năm sau cao hơn năm trước cho thấy nhu cầu ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng của người lao động (NLĐ), trong đó có sự ảnh hưởng của chi phí. Thời gian qua, bằng quy định của pháp luật, sự hỗ trợ của Nhà nước, chi phí mà NLĐ bỏ ra để sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... làm việc giảm mạnh, phù hợp với đại bộ phận NLĐ, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Khảo sát nhiều doanh nghiệp (DN) dịch vụ tại TP HCM, phóng viên ghi nhận mức phí mà NLĐ bỏ ra để sang Nhật Bản làm việc từ 50 - 90 triệu đồng, tùy đơn tuyển. Như tại Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh, đơn tuyển có chi phí thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 80 triệu đồng.
"Mức phí mà chúng tôi đưa ra hiện còn thấp hơn quy định 3 tháng lương theo Luật số 69/2020/QH14 của Quốc hội. Ngoài ra, Mai Linh còn hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho NLĐ trong quá trình đào tạo, hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách" - ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc công ty, cho biết.
Đại diện Esuhai Group cho biết mức phí đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Nhật Bản hiện nay khá thấp. Trước khi Luật 69/2020/QH14 có hiệu lực, NLĐ tham gia chương trình XKLĐ Nhật Bản thường phải chi trả từ 150 - 200 triệu đồng ở các công ty XKLĐ khác trên thị trường. Đây là con số lớn, gây nhiều khó khăn, nhất là với các gia đình thu nhập thấp.

Người lao động được phổ biến các chính sách, quy định trước khi ra nước ngoài làm việc
Nhưng từ năm 2022, luật mới đã giảm gánh nặng tài chính đáng kể. Tại Esuhai, tổng chi phí XKLĐ Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh làm việc 3 năm sẽ bao gồm phí dịch vụ và phí đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng chỉ từ 60 triệu đồng. Chi phí sẽ thay đổi tùy vào mức lương công việc tuyển dụng, tỉ giá của đồng yen và tuân thủ đúng quy định luật pháp.
Phí giảm, NLĐ được hưởng lợi nhiều nhất. Đầu tháng 6 tới đây, chị Vũ Thị Ngoan (27 tuổi, quê Thanh Hóa) sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Chị cho biết từng có ý định sang Nhật Bản làm việc từ nhiều năm trước nhưng phải đến cuối năm ngoái, khi mức phí chỉ còn khoảng 75 triệu đồng, chị mới mạnh dạn đăng ký.
"Tôi dành dụm chỉ được nhiêu đó nên lúc trước phí hơn 100 triệu tôi thấy ngán, không dám vay mượn vì sợ nợ. Hiện mức phí khá tốt nên nhiều người làm công nhân như tôi có thể dễ dàng đi nước ngoài làm việc hơn" - chị Ngoan nói.
Xử lý nghiêm nếu vi phạm
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, công tác thanh tra, kiểm tra DN hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ nhằm minh bạch lĩnh vực này mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Theo ông Hương, Chính phủ yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các DN, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi XKLĐ để trục lợi, mua bán người, tổ chức, môi giới cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc móc nối, lôi kéo NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài tham gia hoạt động vi phạm pháp luật. Ngoài ra, phải có cơ chế nắm bắt, quản lý thông tin về quá trình người Việt Nam thực hiện hợp đồng ở nước ngoài gắn với trách nhiệm quản lý của các DN liên quan.
Ông Hương cho hay qua thanh tra, kiểm tra thời gian vừa qua, lỗi vi phạm thường gặp là các DN không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của NLĐ trong hợp đồng khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những lỗi như ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động đi XKLĐ; thực hiện không đúng nội dung hợp đồng cung ứng lao động...
"Để thị trường XKLĐ phát triển bền vững trong bối cảnh mới, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các vi phạm của DN dịch vụ và cá nhân liên quan, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp NLĐ nắm rõ thông tin trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài" - ông Hương nhấn mạnh.
Tại TP HCM, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị liên quan hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, XKLĐ. Nếu có dấu hiệu vi phạm phải thanh tra đột xuất toàn diện để kịp thời xử lý, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của NLĐ.
Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm, XKLĐ. Qua đó, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn tố giác tội phạm phải chuyển ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.
Mang lại công bằng cho người lao động
Mới đây, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long. Cơ quan điều tra cho biết công ty này và các đơn vị có liên quan lạm dụng việc được cấp phép, giao nhiệm vụ tổ chức người đi XKLĐ để cố ý áp đặt, buộc nộp phí dịch vụ vượt nhiều lần định mức chi phí. Công ty này sau đó chiếm đoạt tiền của NLĐ.
Bộ Công an cho rằng việc xử lý vụ án này sẽ là lời răn đe, cảnh tỉnh về chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực XKLĐ. Công an cũng phát hiện, kiến nghị bịt kín những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, mang lại công bằng xã hội cho NLĐ.
Bình luận (0)