Trong đó, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 từ ngày 11 đến 15-12 đã thu hút hơn 214 đại biểu, 37 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 20 tổ chức quốc tế. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Cùng với đó, Festival Tôm Cà Mau từ ngày 10 đến 13-12 không chỉ là sự kiện của tỉnh mà còn là ngày hội quảng bá ngành hàng chủ lực và diễn đàn OCOP của ĐBSCL. Vùng này đã đóng góp hơn 1.300 trong số gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của cả nước.
Trước đó không lâu, Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 - Nâng tầm vị thế và Ngày hội Trái cây Việt Nam - Tiền Giang năm 2023 đã diễn ra. Sắp tới, rất nhiều sự kiện khác ở miền Tây cũng được tổ chức, trong đó có Lễ hội Dừa Bến Tre. Riêng Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần đầu tiên với chủ đề "Tình đất - Tình hoa" sẽ diễn ra cuối tháng 12-2023...
Xung lực mới cho miền Tây không chỉ nằm trong các sự kiện nêu trên mà chính là những chuyển động nội tại của vùng này. Bức tranh toàn cảnh về thời cơ mới và vận hội mới của vùng ĐBSCL đang nổi lên với nhiều mảng màu tươi sáng được kỳ vọng từ quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động đến cơ hội đầu tư, dự kiến bố trí và huy động nguồn lực thực hiện.
ĐBSCL là vùng đầu tiên và đến nay vẫn là khu vực duy nhất được Thủ tướng Chính phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng. 10/13 tỉnh, thành trong vùng đã được phê duyệt, công bố quy hoạch, kêu gọi đầu tư và nhiều dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, hứa hẹn giai đoạn phát triển mới. Bức tranh giao thông vùng cũng tạo ra những dấu son với hệ thống đường dọc, trục ngang, cầu vượt sông lớn, cụm cảng, sân bay được đầu tư, kỳ vọng tạo sự bứt tốc đột phá.
Tuy nhiên, sự phát triển vùng ĐBSCL trong điều kiện nguồn lực còn phân tán và cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn một số bất cập vẫn đang gặp không ít điểm nghẽn. Trong đó, nổi lên điểm nghẽn là thiếu vốn đầu tư và thiếu cơ chế điều phối phát triển vùng, liên vùng một cách hiệu quả. Để tháo gỡ các điểm nghẽn này nhằm phát triển ĐBSCL, cần có hành động đột phá cải cách thể chế, quản trị và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng.
Theo đó, cần ưu tiên tập trung 3 nhóm giải pháp. Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các cơ chế liên kết hiệu quả. Hội đồng vùng đã được thành lập cần có thực quyền, nên tập trung 2 lĩnh vực then chốt là điều phối quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng.
Hai là, tổ chức huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa những địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, những cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế.
Ba là, đầu tư, phát triển hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các bất cập phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi khí hậu để phù hợp với quy hoạch vùng đã được phê duyệt.
Bình luận (0)