Hiện TP HCM có 17 KCX-CN với 250.000 công nhân (CN) làm việc, trong đó có 70% là lao động nhập cư. Các nhà lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu thuê nên đa số CN đều ở tại các khu nhà trọ do người dân tự xây dựng. Qua khảo sát, nhiều nhà trọ chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), diện tích tối thiểu 4 m2/người, lối thoát hiểm...
Nhiều băn khoăn
Đại diện các KCX-CN TP HCM lý giải do thu nhập thấp, chi phí cao nên đa số người lao động chọn các khu trọ giá rẻ dù biết sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, bên cạnh hướng dẫn chủ nhà trọ sửa chữa, trang bị các thiết bị PCCC, các cơ quan chức năng cũng phải hướng dẫn chủ và người thuê trọ thực hành để đề phòng khi có sự cố.
Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN thành phố, khẳng định việc bảo đảm an toàn cho người thuê trọ là một chủ trương rất đúng đắn. Nhưng nếu các nhà trọ không đáp ứng được quy định phải dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến CN ở trọ. Do đó, ông kiến nghị thành phố cần có quỹ hỗ trợ, hoặc vốn vay ưu đãi cho các chủ nhà trọ sửa chữa, trang bị các thiết bị an toàn phù hợp. Qua đó, sẽ kích thích họ mạnh dạn đầu tư. Ngược lại, những chủ nhà được vay gói hỗ trợ phải ký cam kết không tăng giá thuê nhà trong một thời gian.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng (chủ nhà trọ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM) cho biết dù đã trang bị đủ các thiết bị PCCC, thang thoát hiểm, còi báo cháy, đèn năng lượng mặt trời… nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Bà mong các quy định PCCC không có nhiều thay đổi đột ngột để các hộ kinh doanh có thời gian xoay xở. Nếu có các chương trình vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính từ chính quyền, ngân hàng, chủ nhà trọ sẽ bớt gánh nặng, yên tâm đầu tư vào an toàn PCCC mà không bị áp lực về tài chính.

Người thuê trọ cần được trang bị các kiến thức về PCCC, thoát hiểm thoát nạn. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Mặt khác, bà Hồng cho rằng việc tuyên truyền PCCC và cứu hộ cứu nạn vẫn còn khá lỏng lẻo. "Mỗi năm, khu trọ của bà chỉ được tập huấn từ 1-2 lần cho người thuê, nhưng hiệu quả khó bảo đảm. Cơ quan chức năng kiểm tra thì yêu cầu làm đúng quy trình, nếu không sẽ bị phạt rất nặng" - bà Hồng lo ngại.
Trong khi các vụ cháy nổ thường diễn ra rất nhanh, chỉ trông chờ vào chủ nhà là chưa đủ, nên cần sự chung tay của cả những người đang thuê trọ. Do vậy, bà Hồng nhấn mạnh nếu người thuê nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định an toàn và biết cách xử lý tình huống khẩn cấp thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm đi đáng kể.
Hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay, chủ kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê có trách nhiệm thực hiện thủ tục xin thẩm duyệt PCCC. Song thực tế, sự chênh lệch từ những nhà trọ quy mô lớn với hệ thống điện nước phức tạp, đến các nhà trọ nhỏ, đơn giản nhưng lại không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu PCCC. Hơn nữa, chi phí đầu tư vào hệ thống PCCC có thể gây áp lực tài chính đối với các chủ nhà trọ nhỏ.
Do đó, luật sư Liên đề xuất cần phân loại nhà trọ theo quy mô và áp dụng các yêu cầu PCCC phù hợp. Ví dụ, với các nhà trọ nhỏ, có thể giảm bớt yêu cầu về thiết bị PCCC như hệ thống báo cháy tự động nhưng vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng ngừa cơ bản như bình chữa cháy, cửa thoát hiểm và đèn chiếu sáng thoát hiểm. Các nhà trọ lớn phải có các hệ thống PCCC như báo cháy tự động, các thiết bị chữa cháy chuyên dụng...
Bên cạnh đó, chính quyền cần hỗ trợ các chủ nhà trọ cải tạo cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu PCCC; triển khai các mô hình hỗ trợ cải tạo PCCC cho nhà trọ thông qua các chương trình phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tài chính để cung cấp thiết bị PCCC với giá ưu đãi, hoặc cho thuê thiết bị miễn phí. Điều này sẽ giúp chủ nhà trọ trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC mà không gặp phải khó khăn về tài chính.
"Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị báo cháy miễn phí cho các nhà trọ có quy mô nhỏ cũng là giải pháp thiết thực giúp giảm thiểu chi phí cho chủ nhà trọ. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho người thuê trọ và người dân xung quanh" - luật sư Liên đề xuất.
Còn luật sư Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho rằng ngoài trang bị những thiết bị cơ bản về PCCC, chủ nhà trọ cần lập kế hoạch thoát hiểm rõ ràng cho người thuê nhà, bao gồm sơ đồ các lối thoát hiểm và các bước xử lý khi có cháy.
"Việc kiểm tra, duy trì hệ thống điện, nước an toàn cũng là một phần quan trọng trong công tác PCCC. Nếu có nhân viên quản lý nhà trọ, việc đào tạo họ về các biện pháp PCCC cơ bản, cách sử dụng thiết bị chữa cháy, hướng dẫn người thuê nhà trong tình huống khẩn cấp là cần thiết" - luật sư Huyền nói.
KTS TRƯƠNG NAM THUẬN, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh (quận Phú Nhuận, TP HCM):
Xây dựng đội PCCC địa phương
Chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ trang thiết bị và tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong và an ninh cơ sở, nhằm xây dựng một đội PCCC cơ động tại địa phương. Lực lượng này được duy trì trực chiến 24/24 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy nổ, đặc biệt ở các khu vực hẻm nhỏ, xóm trọ, nơi xe cứu hỏa khó tiếp cận.
Ngoài sẵn sàng phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố, đội PCCC địa phương cần tổ chức tuần tra thường xuyên, nhất là vào ban đêm - thời điểm nguy cơ cháy nổ cao do chập điện, bất cẩn trong sinh hoạt, hoặc các yếu tố khác.
Bảo lưu tiêu chí 4 m2/người
Sở Xây dựng TP HCM vừa có công văn gửi Sở Tư pháp đề nghị thẩm định tờ trình, quyết định ban hành quy định quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ hiện cho thuê ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với chủ nhà ở riêng lẻ cho thuê phải cải tạo, sửa chữa để đáp ứng quy định tối thiểu. Về tiêu chí diện tích tối thiểu, sở vẫn bảo lưu tiêu chí 4 m2/người, để hạn chế số lượng người tại một công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê để ở.
Về vốn vay, chủ nhà được hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vay lãi suất ưu đãi nhằm cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị PCCC... để bảo đảm các "tiêu chí tối thiểu" của quy định. Ngoài ra, người thuê nhà để ở được áp dụng đơn giá, định mức điện, nước là loại hình không kinh doanh, khi người thuê đăng ký cư trú tại các nhà ở riêng lẻ cho thuê để ở đạt các "tiêu chí tối thiểu".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-3
Bình luận (0)