Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mới đây đã tổ chức "Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác hỗ trợ người lao động (NLĐ) tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh chủ trương đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. NLĐ sau thời gian làm việc ở nước ngoài tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp đã trở thành những lao động có tay nghề, kỹ năng và hình thành lực lượng lao động quan trọng, đóng góp tích cực cho thị trường lao động tại các địa phương.
"Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, đời sống ấm no, đầy đủ hơn. Ngoài tạo việc làm cho bản thân, không ít người còn phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - Thứ trưởng nói.
Đánh giá tình hình thực hiện tiểu dự án hỗ trợ NLĐ tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng NLĐ tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng còn khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội thì đi làm việc ở nước ngoài là một kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng trong công tác giảm nghèo bền vững.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết tính đến nay, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.800 NLĐ, tạo điều kiện cho gần 5.157 lao động tiếp cận các chính sách, thủ tục để đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Cục cũng đã tổ chức 12 buổi tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 1.000 cán bộ tuyên truyền viên cơ sở, là những người trực tiếp thực hiện công tác vận động, tư vấn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại các địa phương như: Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Cà Mau...
Là địa phương có số lượng NLĐ ra nước ngoài làm việc cao nhất cả nước, Nghệ An là điển hình của việc vận dụng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm của nhà nước. Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có hơn 10.000 lao động thuộc 11 huyện miền núi.
Kết quả này là nỗ lực của chính quyền tỉnh Nghệ An trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, trong đó tỉnh rất quan tâm đến lao động là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ NLĐ là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Ổn định cuộc sống
Đắk Nông cũng là ví dụ điển hình cho chủ trương giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững khi đẩy mạnh các giải pháp, cách làm hiệu quả vận động lao động ra nước ngoài làm việc. Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, cho biết năm 2023, toàn tỉnh đưa được 602 người ra nước ngoài làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trong năm 2024, Đắk Nông phấn đấu đưa trên 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, có 30 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, thân nhân của gia đình chính sách có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... "Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là phương án giảm nghèo nhanh, bền vững. Vì vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn được đẩy mạnh. Hiện rào cản lớn nhất của NLĐ là chi phí. Do đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước được vận dụng tối đa, giúp họ an tâm đi làm việc" - ông Nam đánh giá.
Việc đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được tỉnh Phú Yên đẩy mạnh thực hiện trong thời gian gần đây. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đưa 450 NLĐ đi làm việc ở các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Saudi... Để NLĐ tỉnh nhà vững tâm ra nước ngoài làm việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp, giải đáp kịp thời mọi thắc mắc, vướng mắc của NLĐ.
Bên cạnh đó, các biện pháp phối hợp với các cơ quan đoàn thể trong tỉnh cũng được đẩy mạnh để NLĐ hiểu rõ chủ trương, chính sách về giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo, vay vốn... Đặc biệt, mới đây, tỉnh Phú Yên đã trực tiếp kết nối, đàm phán thành công với một địa phương của Hàn Quốc để tổ chức đưa NLĐ trong tỉnh sang làm việc thời vụ. Đây được xem là hướng đi phù hợp nhằm giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở nông thôn với chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.
Với tinh thần "Đi học nghề, về làm chủ, lao động đi làm việc ở nước ngoài là bắt đầu khởi nghiệp", Bến Tre ghi nhận 489 lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước khởi nghiệp, trở thành chủ các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bến Tre cho biết khoảng 5 năm gần đây, toàn tỉnh có 7.047 NLĐ làm việc ở nước ngoài.
Những địa phương có tỉ lệ NLĐ làm việc ở nước ngoài cao đều có sự thay đổi rõ nét về mức sống. Nhiều người trước đây thuộc hộ nghèo, cận nghèo sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá, giàu. Nhiều người còn trở thành nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho NLĐ ở địa phương.
"Chính phủ cần có chính sách cho phép NLĐ vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức vay theo giá trị thực tế của hợp đồng mà không cần tài sản thế chấp (đối với trường hợp vay từ 100 triệu đồng trở lên)" - bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, đề xuất.
Hỗ trợ chi phí
Theo quy định, Nhà nước hỗ trợ chi phí cho NLĐ dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài, gồm: đào tạo ngoại ngữ (4 triệu đồng); tiền ăn, sinh hoạt phí (50.000 đồng/ngày) trong thời gian đào tạo; tiền ở trong thời gian đào tạo (400.000 đồng/tháng); cấp đồ dùng cá nhân (600.000 đồng/người); chi phí đi lại (từ 200.000 - 300.000 đồng/khóa học); lệ phí khám sức khỏe, visa... cũng được hỗ trợ tối đa.
Bình luận (0)