Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và phân tích của các chuyên gia về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong thời gian qua là do vấn đề tổ chức và điều kiện lao động, thiết bị không bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ)… Nhiều tai nạn đau lòng đã khiến người lao động (NLĐ) trả giá đắt, thậm chí cả mạng sống.
Lơ là dẫn đến hậu quả
Lê Trần Minh Trí (SN 1982, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP HCM), từng là công nhân (CN) bộ phận nhuộm của một công ty dệt may ở quận Tân Phú (TP HCM) bị TNLĐ với tỉ lệ thương tật 61% dù đã tuân thủ đúng quy trình làm việc.
Anh cho biết bản thân có kinh nghiệm nên đã thuộc các thao tác. Trước khi lấy hàng ra khỏi nồi hơi nhuộm vải, anh đã vặn van xả áp suất trong nồi, sau đó kiểm tra đồng hồ áp suất. Khi thấy đồng hồ thể hiện áp suất an toàn, anh mới thao tác mở nắp nồi nhưng bất ngờ nồi nổ tung khiến anh bị phỏng toàn thân. Theo anh Trí, nguyên nhân là do thiết bị sản xuất của công ty không bảo đảm an toàn, rơ-le nhiệt bị hư, không thể hiện đúng nhiệt độ và áp suất trong nồi.

Bà Lê Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ quận 5, TP HCM - thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Một vụ ngạt khí suýt khiến 4 CN bốc xếp hàng hóa và 1 tài xế trả giá bằng tính mạng cũng đã diễn ra tại một doanh nghiệp (DN) nhỏ ở huyện Bình Chánh, TP HCM vào tháng 8-2024. Khi ấy, nhóm CN này nhận bốc dỡ hóa chất từ container vào kho chứa hàng thì có biểu hiện tím tái, khó thở. Ngay lập tức, cả 5 người được đưa đi cấp cứu. Qua chẩn đoán, 5 người đều bị suy hô hấp cấp, ngộ độc chất vô cơ, trong đó có 1 người nguy kịch.
Dù đều may mắn thoát chết nhưng sự cố này vẫn luôn là nỗi ám ảnh với họ. Anh Võ Hoàng Khải (SN 2005) cho biết: "Khi nhận việc, chúng tôi chỉ được biết thông tin qua loa hàng hóa, DN không hề cảnh báo về các rủi ro mất an toàn hay cấp phát thiết bị bảo hộ lao động dẫn đến tình trạng ngộ độc".
Một vụ TNLĐ nghiêm trọng khác đã diễn ra vào tháng 3-2024 tại Công ty TNHH Đóng gói L.T (TP Hải Phòng) khiến 1 CN tử vong. Theo đó, khi đang đưa các sản phẩm xốp phế liệu vào phễu máy tái chế tạo mút xốp EPE để nghiền, do không bảo đảm khoảng cách đứng an toàn, bà N.T.H bị cuốn đầu vào máy nghiền, tử vong tại chỗ.
Theo biên bản điều tra TNLĐ của Đoàn Điều tra TNLĐ TP Hải Phòng, bà H. chưa nắm vững đầy đủ kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách quản lý và bảo đảm ATLĐ chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không thực hiện việc tập huấn, hướng dẫn, bảo đảm ATLĐ cho CN dẫn đến hậu quả xảy ra như trên.
Về phía công ty thì ban hành nội quy AT-VSLĐ và quy trình vận hành an toàn đối với máy, thiết bị chưa đầy đủ (thiếu nội dung quy định người vận hành phải giữ khoảng cách an toàn với bộ phận chuyển động của máy để tránh thương tích trong khi máy đang hoạt động); không có hướng dẫn cảnh báo cụ thể về các nguy cơ mất ATLĐ và biện pháp bảo đảm an toàn đối NLĐ làm việc tại khu vực máy tái chế nhựa.
Tính mạng là trên hết
TS Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học AT-VSLĐ TP HCM (Sở Nội vụ TP HCM), phân tích TNLĐ là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Mỗi năm, hàng ngàn vụ TNLĐ lớn nhỏ xảy ra trên cả nước, để lại những hậu quả đáng tiếc cho cả cá nhân và cộng đồng.
Hầu hết nguyên nhân các vụ TNLĐ xảy ra là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. Về phía NSDLĐ, thiếu thiết bị an toàn và các vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật của máy móc, thiết bị; không cung cấp đầy đủ hoặc không bảo trì định kỳ các thiết bị an toàn, không tuân thủ các quy định về ATLĐ là những yếu tố chính dẫn đến tai nạn.
Về phía NLĐ, do không tuân thủ quy trình, thiếu kỹ năng, sử dụng thiết bị không an toàn, do tình trạng sức khỏe không bảo đảm. Ngoài ra, việc không được đào tạo đầy đủ hoặc thiếu giám sát cũng góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn. Sự lơ là, chủ quan và vi phạm các quy định an toàn cũng là những yếu tố quan trọng cần được xem xét.
Mặt khác còn có nguyên nhân từ quản lý nhà nước như việc ban hành các quy định, văn bản pháp luật, nghị định, thông tư đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn pháp luật về ATLĐ hiện nay dù tương đối đầy đủ nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu chi tiết trong các quy định về AT-VSLĐ trong các chuyên ngành; một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cũ, lạc hậu không phù hợp. "Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nghiêm minh. Ngoài ra, cơ chế, chế tài, các mức xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe các chủ thể" - TS Hải nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho biết phần lớn DN nhỏ và vừa hiện không có bộ phận chuyên trách về AT-VSLĐ, mà chỉ giao cho cán bộ kiêm nhiệm phụ trách. Do kinh phí hạn chế, các DN này gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro một cách bài bản, cũng như đầu tư đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho NLĐ. Nhiều chủ DN vẫn xem công tác AT-VSLĐ là hình thức, chỉ thực hiện để có đủ hồ sơ khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, dẫn đến quy trình không được cập nhật, cải tiến thường xuyên.
Trong khi đó, nhiều NLĐ còn có tâm lý chủ quan, vì áp lực sản lượng khiến họ bỏ qua việc mang đồ bảo hộ hoặc thao tác đúng quy trình. Nhiều CN cho rằng tai nạn là do "xui rủi", thay vì nhận thức đó là hệ quả từ môi trường làm việc thiếu an toàn và ý thức tuân thủ AT-VSLĐ chưa tốt.
Trước thực trạng này, LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp với các ban ngành có liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho NLĐ; hướng dẫn DN đánh giá rủi ro theo nhóm, ca hoặc khu vực thay vì toàn bộ quy trình; xây dựng bản đồ nguy cơ bằng hình ảnh trực quan, dán tại vị trí sản xuất; thông qua mạng lưới an toàn vệ sinh viên để nhắc nhở NLĐ.
DN dù quy mô nhỏ nhưng không thể vì khó khăn mà xem nhẹ an toàn của NLĐ. Bởi chỉ một hành vi chủ quan sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng" - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Những con số biết nói
Năm 2024, cả nước đã xảy ra 7.902 vụ TNLĐ làm 8.068 người bị nạn. Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người, Bộ Nội vụ nhận định nguyên nhân chủ yếu là do: tổ chức lao động và điều kiện lao động (chiếm 16,66% tổng số vụ TNLĐ); thiết bị không bảo đảm ATLĐ (chiếm 12,71%); NSDLĐ không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ (10,43%)... Bên cạnh đó, nguyên nhân do NLĐ cũng chiếm tỉ lệ cao, 22,88% tổng số vụ và 20,55% tổng số người chết.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-5
Bình luận (0)