Mới đây, Công an TP HCM đã thông tin về nguyên nhân vụ sập cửa hàng Circle K ở quận 4 khiến một người tử vong xảy ra ngày 18-1. Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), vụ sập cửa hàng xảy ra do kết cấu mối hàn công trình yếu, không bảo đảm chất lượng. Thời điểm xảy ra vụ việc, cửa hàng để hàng hóa nặng phía trên khiến sàn không chịu nổi sức đè, các mối hàn bị đứt gãy dẫn tới sự cố.
Thiếu trách nhiệm
Người tử vong trong sự cố trên là một nữ sinh, không phải người lao động (NLĐ) nên bản chất vụ việc không phải là tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, từ kết luận trên cho thấy thời gian qua, nhân viên cửa hàng đã phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ).
Thống kê về tình hình TNLĐ những năm qua của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết nguyên nhân TNLĐ xảy ra phần lớn do điều kiện lao động không bảo đảm an toàn và người sử dụng lao động (NSDLĐ) không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn cho NLĐ.
Lao động lĩnh vực xây dựng luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động
Vụ TNLĐ do rơi vận thăng lồng xảy ra tại công trường Sở Tài chính tỉnh Nghệ An vào năm 2021 khiến 3 người chết và 8 người bị thương là điển hình. Trước đó, vận thăng lồng này do Công ty CP Thi công cơ giới và Xây lắp 171, đơn vị trúng thầu thi công, thuê của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Phúc Việt. Đơn vị thi công cũng chỉ định Công ty Phúc Việt thuê ông N.Q.N, cộng tác viên kiểm định Công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật an toàn Miền Nam, thực hiện kiểm định.
Qua điều tra của các cơ quan chức năng sau tai nạn cho thấy ông N.Q.N không được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật, không phải là kiểm định viên nhưng vẫn được ông N.L.K, giám đốc Công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật an toàn Miền Nam, đồng ý cho làm kiểm định. Đáng nói hơn, bản thân Công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật an toàn Miền Nam cũng không có thẩm quyền kiểm định đối với loại vận thăng lồng trong xây dựng theo quy định.
Do không có chuyên môn nên ông N.Q.N không phát hiện được cụm phanh chống rơi của vận thăng này đã hết hạn sử dụng theo quy định của nhà sản xuất nên không có tác dụng hãm cabin lại. Bên cạnh đó, vận thăng lồng đã bị thay đổi so với kết cấu ban đầu.
Tại phiên xử phúc thẩm do TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức cách đây ít lâu, ông L.T.L, Giám đốc Công ty CP Thi công cơ giới và Xây lắp 171, thừa nhận do không nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình kiểm định vận thăng nên không phát hiện được đơn vị thực hiện kiểm định không có chức năng thực hiện và người trực tiếp kiểm định không phải là kiểm định viên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Hội đồng xét xử cho rằng vụ TNLĐ này có trách nhiệm của cả bên cung cấp thiết bị vận thăng, bên kiểm định và bên sử dụng vận thăng. Với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về ATLĐ, ông L.T.L bị tòa tuyên xử 3 năm tù treo; ông N.L.K 4 năm 6 tháng tù và NQ.N 4 năm tù. Ngoài ra, các cá nhân và đơn vị liên quan còn phải lo chi phí điều trị, bồi thường thiệt hại cho NLĐ và thân nhân hơn 5 tỉ đồng.
Có quyền từ chối làm việc
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, NLĐ có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc. Tuy nhiên, vì cần việc làm, thu nhập nhiều NLĐ hiện nay chưa xem trọng vấn đề này, nhất là lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, ngành nghề có tỉ lệ TNLĐ nằm trong tốp đầu. Thêm vào đó, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) cũng thiếu quan tâm đến điều kiện làm việc và công tác ATLĐ cho NLĐ khiến nhiều sự cố đau lòng vẫn xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều vụ tại một công trình.
Đơn cử như vụ TNLĐ trên công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 vào tháng 9-2022. Khi thi công trụ tháp chính của công trình, 3 công nhân rơi xuống sông, trong đó có 1 người bị nước cuốn trôi và tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do sàn làm việc không chắc chắn nên bị sập. Cũng tại công trình này, vào tháng 11-2022, khi anh C.V.V đang lắp đặt cốt thép của khối dầm K1 thì bị một ống nối thép dài khoảng 15 cm rơi trúng người gây tử vong.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, để hạn chế TNLĐ, hơn ai hết bản thân NLĐ phải ý thức được việc phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng bản thân. Do đó, cần tăng cường trang bị kiến thức về ATLĐ, kịp thời báo cáo DN nếu phát hiện điều kiện làm việc, thiết bị lao động không bảo đảm tiêu chuẩn và sẵn sàng từ chối công việc không bảo đảm ATLĐ.
Đối với DN thì cần nhận thức sức khỏe của NLĐ cũng là sức khỏe của chính mình để từ đó thực hiện đúng các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, tránh thiệt hại về người và của. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các DN, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, chú ý đến việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại DN. Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề cho cả NLĐ và DN, đặc biệt là NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.
Bình luận (0)