Khảo sát thị trường TP HCM khoảng 10 ngày trở lại đây, mận (nguồn từ các tỉnh phía Bắc, chủ yếu Sơn La) được bày bán rất nhiều và giá cả giảm liên tục. Hiện tại, giá mận ở các chợ chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với đầu vụ.
Bơ, mận ngập chợ
Ngay tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), giá mận hậu chỉ 29.900 đồng/kg, áp dụng từ ngày 24-5 đến 1-6 trong khi giá gốc lên tới 70.900 đồng/kg nên thu hút khá đông người mua. Chị Thùy Linh (quận 7) cho biết đã mua hơn 10 kg mận về ngâm đường dùng dần vì loại trái này mỗi năm chỉ có 1 vụ và là loại quả chua, không ăn tươi được nhiều.
Ngoài mận, bơ các loại, đặc biệt là bơ giống 034, đang bị dội chợ khiến giá ngày càng giảm. Hiện loại bơ này giá bán lẻ tại chợ TP HCM chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; các cửa hàng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg (cỡ lớn hơn và bao ăn) trong khi những năm trước, loại bơ này từng có giá hơn 100.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một sạp trái cây ở hẻm đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), cho biết các loại trái cây đang rộ mùa nên có giá rất thấp, một vài tuần hết mùa giá sẽ tăng lại. Tại đây, bà Hồng bán sầu riêng Musang King chỉ có 100.000 đồng/kg trong khi bình thường đến vài trăm ngàn đồng, mít ruột đỏ 35.000 đồng/kg, mít Thái 20.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với cách đây 1 tháng.
Một điểm đặc biệt là năm nay trái cây trong nước không chỉ chịu áp lực rộ mùa xuống giá mà còn bị cạnh tranh với hàng cùng loại của Thái Lan. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức), cho biết mùa trái cây đang bắt đầu với nhiều mặt hàng từ miền Bắc vào như: mận, vải. "Mận năm nay về nhiều, giá hạ. Còn vải, vừa rồi có đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang đến làm việc tại chợ để chuẩn bị cho việc tiêu thụ. Dù vải phía Bắc năm nay mất mùa nhưng ghi nhận của chúng tôi, giá vải đầu mùa cũng chỉ 45.000 đồng/kg, không cao như dự đoán" - ông Phương thông tin.
Cũng theo ông Phương, trái cây Thái Lan có một số mặt hàng trùng với Việt Nam nhưng do thu hoạch sớm hơn nên chiếm lĩnh thị trường ở giai đoạn đầu vụ. Theo đó, bòn bon, măng cụt, chôm chôm Thái Lan có mặt tại chợ đầu mối từ giữa tháng 4 với tổng sản lượng về chợ đến nay khoảng 700 tấn. Trong đó, nhiều nhất là măng cụt với khoảng 460 tấn. "Sầu riêng Thái Lan cũng có về chợ nhưng ghép container với một số mặt hàng khác" - ông Phương thông tin.
Về chất lượng trái cây Thái Lan tiêu thụ ở thị trường Việt Nam, dân trong nghề đánh giá đa phần là hàng chất lượng trung bình nên cạnh tranh về giá là chính và tận dụng thời điểm lúc Việt Nam chưa có thu hoạch để bán hàng.
Nâng cao chất lượng
Ông Nguyễn Trung Dũng (ngụ TP Thủ Đức), chuyên kinh doanh trái cây theo mùa, cho hay hiện nhiều nhà vườn đang ký gửi bơ 034 ở chỗ ông. "Mấy năm nay, bơ 034 được trồng ở rất nhiều nơi và chín đồng loạt nên nhà vườn nào cũng muốn bán gấp. Vì số lượng quá nhiều nên giá bơ 034 cỡ lớn bán tại vườn chỉ còn 13.000 đồng/kg và bơ cỡ nhỏ 9.000 đồng/kg" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, bơ 034 rất ngon nhưng sức mua không cao. Nguyên nhân là do trước đây, khi bơ 034 giá cao, nhiều vườn bán cả trái non, người tiêu dùng mua về ăn bị đắng hay đen đầu khiến họ mất niềm tin với loại trái cây này. Ngoài ra, thời gian bán hàng của loại quả này khá ngắn, dễ hư hỏng, người kinh doanh gặp nhiều rủi ro nên cũng ít nhập về bán. "Nhiều loại trái cây khác cũng có tình trạng tương tự. Chất lượng trái cây bị thả nổi nên khó kích cầu" - ông Dũng nhìn nhận.
Bà Bùi Minh Thảo, một hộ chuyên bán lẻ sầu riêng ở TP HCM, cho biết thị trường nội địa chủ yếu tiêu thụ hàng "dạt" của các vựa chuyên đóng gói xuất khẩu nên chất lượng không bảo đảm, dễ mất uy tín với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho rằng một loại trái cây muốn tiêu thụ bền vững phải có thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và đa dạng sản phẩm chế biến. Cây bơ hiện chỉ bán nội địa và bán ăn tươi nên thị trường tiêu thụ rất hẹp. "Công nghệ chế biến các sản phẩm từ bơ còn rất ít nên không tiêu thụ được hết, các giống bơ hiện tại cũng chưa phù hợp để xuất khẩu dù nhu cầu thị trường thế giới khá cao" - ông Mười đánh giá.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, nhận xét nhiều loại trái cây Việt Nam dù đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế nhưng vẫn có nguy cơ thua trên sân nhà vì chủ yếu canh tác nhỏ lẻ và không có đơn vị đầu mối xây dựng thương hiệu.
Việc tiêu thụ trái cây cho nông dân phụ thuộc lớn vào thương lái, trong khi thương lái thì không cần thương hiệu, họ chỉ cần buôn chuyến nên sẵn sàng thu mua trái non khi khan hàng. "Hiện tại, trái cây Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, châu Âu… đổ về Việt Nam rất nhiều với giá ngày càng rẻ. Hàng nhập khẩu có thể không xuất sắc nhưng có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng chứ không bán xô như tại Việt Nam" - ông Hoàng nêu thực tế.
Nhập khẩu trái cây tăng
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhập khẩu rau quả tháng 5 ước đạt 180,4 triệu USD, tăng 26% so với tháng 4 và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khoảng 815,9 triệu USD rau quả, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 4-2024, Trung Quốc là nguồn cung số 1 rau quả cho Việt Nam với 39,6% thị phần; Mỹ xếp thứ 2 với 20% thị phần; Thái Lan xếp thứ 10, chiếm khoảng 2% thị phần.
Bình luận (0)